Xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của Nhật không tác động đến biển Việt Nam
Liên quan đến việc Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu xả lô nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý đầu tiên từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển từ ngày 24/8, đại diện Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, nước thải phóng xạ của Nhật sẽ không tác động đến biển Việt Nam.
Theo ông Phạm Văn Toàn, Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và công nghệ), từ tháng 4/2021, kế hoạch xả thải của Nhật Bản đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiến hành thẩm định dựa trên các tiêu chuẩn an toàn của IAEA, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về an toàn hạt nhân được quốc tế công nhận đến từ 11 quốc gia (trong đó có Việt Nam). Sau hơn 2 năm, đến ngày 4/7/2023, IAEA đã chính thức trao cho chính phủ Nhật Bản báo cáo đánh giá, trong đó kết luận kế hoạch của Nhật Bản về việc xả thải nước phóng xạ đã qua xử lý ra biển là phù hợp với tiêu chuẩn an toàn của IAEA.
Ông Phạm Văn Toàn cũng cho biết, theo kết quả đánh giá của IAEA, nồng độ của tác nhân phóng xạ có trong nước ở khoảng cách 30 km so với vị trí dự kiến xả thải có mật độ trong dải từ 10-6 đến 10-10 Bq/l (becquerel/lít). Đây là tỷ lệ rất nhỏ so với nồng độ phóng xạ tự nhiên trong nước biển và hầu như không có tác động về mặt phóng xạ đến môi trường biển.
“Bình thường nước biển cũng đã có nồng độ phóng xạ tự nhiên, nằm trong dải từ 10-1 đến 1 Bq/l và hầu như không có tác động về mặt phóng xạ đến môi trường biển. Kết quả đánh giá cũng cho thấy, mức liều bức xạ một người dân Nhật Bản phải nhận do hoạt động xả thải là rất nhỏ so với giới hạn liều đối với công chúng do ảnh hưởng của công việc bức xạ. Mức này cũng đã được quy định tại Thông tư số 19/2012 ngày 8/11/2012 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định về Kiểm soát và bảo vệ an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng ở Việt Nam”, ông Phạm Văn Toàn nói.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, nước thải dự kiến được thải ra biển cũng đã được xử lý để loại bỏ gần như toàn bộ chất phóng xạ, ngoại trừ một số lượng nhỏ Tritium (một chất phát quang phóng xạ của Hydro). Bên cạnh đó, theo quy trình của Nhật Bản xây dựng để gửi thẩm định cho IAEA, trước khi xả thải ra biển, Nhật Bản sẽ tiến hành pha loãng nước đã được xử lý bằng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến để đưa nồng độ phóng xạ trong nước thải về dưới tiêu chuẩn quy định. Do đó, có thể thấy tác động về mặt phóng xạ của quá trình xả thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima là không đáng kể đối với con người và môi trường tại Nhật Bản. Chính vì vậy, hoạt động xả thải sẽ không gây tác động đến vùng biển Việt Nam.
“Trong trường hợp Nhật Bản tiến hành xả thải thì chúng tôi sẽ quan tâm theo dõi và có những động thái tích cực tham gia vào quá trình xả thải của Nhật Bản và khi có thông tin thêm chúng tôi sẽ báo cáo với lãnh đạo Bộ để cung cấp cho báo chí”, ông Phạm Văn Toàn cho hay.
Bộ Khoa học và công nghệ cũng cho biết, hiện, IAEA chưa có hệ thống quan trắc phóng xạ ở biển Đông. Tuy nhiên, thời gian tới, thông qua dự án EU-ASEANTOM về Mạng lưới quan trắc phóng xạ cảnh báo sớm, Việt Nam sẽ được trang bị 40 trạm quan trắc không khí và 1 trạm quan trắc dưới nước. Theo đó, hoạt động kiểm soát đối với môi trường trong đó có môi trường biển sẽ được quan tâm để có số liệu và ứng phó kịp thời khi cần thiết.
Tin nổi bật
Tin Video