Tin tức

Xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội): Làm giàu từ làng nghề truyền thống

(VOVTV) - Những yếu tố thuận lợi về địa lý, những nỗ lực trong việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo nhiều cơ chế hỗ trợ đặc thù đã giúp Hữu Bằng trở thành điểm đến một trong những làng nghề sản xuất đồ gỗ gia dụng sầm uất bậc nhất khu vực.

Tác giả PV / VOVTV
12/12/2022 10:06

Nằm ở cửa ngõ của thủ đô cách trung tâm Hà Nội không xa có nhiều lợi thế về sự phát triển về làng nghề truyền thống, Hữu Bằng được biết đến là làng nghề mộc truyền thống ở huyện Thạch Thất chuyên sản xuất đồ nội thất gia đình và văn phòng...

Nhiều năm trước kia, xã Hữu Bằng là một làng nghề dệt may truyền thống nổi tiếng, nhưng trong những năm gần đây, các hoạt động sản xuất nội thất và buôn bán sản phẩm gỗ vô cùng nhộn nhịp và phát triển.

Xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội): Làm giàu từ làng nghề truyền thống - Ảnh 1.

Trụ sở UBND xã Hữu Bằng

Khác với các mộc truyền thống nổi tiếng như làng nghề Vạn Điểm (huyện Thường Tín, Hà Nội, làng nghề Liên Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) … chuyên sản xuất các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp được chạm khắc tinh xảo, làng nghề mộc Hữu Bằng hướng tới tầng lớp người tiêu dùng có thu nhập ở mức trung bình với các sản phẩm thông dụng trong gia đình và văn phòng như: Giường, tủ, kệ, bàn ghế làm từ gỗ tự nhiên hoặc gỗ công nghiệp, đệm mút xốp bọc da, nỉ (sofa)…

Các sản phẩm ở đây vừa đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, giá cả hợp lý lại đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất đơn giản không yêu cầu tay nghề cao nên đã thu hút lao động ở nhiều tầng lớp và lứa tuổi khác nhau. Nhờ phát huy được nguồn nhân lực tại chỗ và các địa phương lân cận, hằng năm làng nghề đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, vừa góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình, vừa thúc đẩy nền kinh tế làng nghề phát triển bền vững.

Xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội): Làm giàu từ làng nghề truyền thống - Ảnh 2.

Có thể nói sản phẩm gỗ làng nghề hàm chứa tinh hoa văn hóa và trở thành di sản văn hóa dân tộc

Anh Nguyễn Đức Đ 35 tuổi, chủ một xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất tại địa phương cho biết, thu nhập bình quân của gia đình là hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, gia đình chị còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động với mức lương trung bình là gần 10 triệu đồng/người/tháng/năm.

Theo xu hướng của người tiêu dùng ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Nếu như trước kia, ưu tiên hàng đầu của khách hàng khi mua hàng là giá cả sản phẩm thì giờ đây họ quan tâm hơn đến chất lượng, tính đa dụng, tính bền vững sản phẩm. Vì thế các chủ xưởng trong xã không những tập trung tạo ra số lượng sản phẩm mà còn liên tục cập nhật và sáng tạo ra nhiều mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Các loại gỗ được sử dụng để sản xuất tại làng nghề Hữu Bằng gồm nhiều chủng loại, từ gỗ rừng trồng nhập khẩu (lim, gõ đỏ, hương, trắc, cẩm, xoan đào...), gỗ rừng trồng trong nước (keo, quế, mỡ, trẩu) đến gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu (tần bì, dẻ gai, sồi) và ván công nghiệp. Chính sự đa dạng về nguồn gỗ tự nhiên và sự thích ứng linh hoạt của các hộ gia đình đã giúp xã Hữu Bằng phát triển nghề mộc mạnh mẽ hơn trong thời gian qua.

Nắm bắt xu hướng tiêu dùng hiện tại, nhiều chủ xưởng trẻ đã tích cực tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn thay đổi, đầu tư máy móc và thiết bị tân tiến để tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt và mẫu mã hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Không chỉ bán hàng tại xưởng cho khách lẻ hay đổ hàng cho các mối buôn tới làng nghề, họ còn chủ động tìm đầu ra, nhận làm các công trình và mở thêm các cửa hàng ở những thành phố khác để tiêu thụ sản phẩm làm ra.

Anh Nguyễn Xuân T chia sẻ, hiện nay thị trường nội thất rất đa dạng và phong phú, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các xưởng sản xuất. Điều này giúp cho khách hàng có nhiều sự chọn lựa hơn, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu đối với các nhà xưởng phải tự làm mới mình, sáng tạo hơn trong kinh doanh.

"Trong bối cảnh thị trường có sự cạnh tranh cao thì các chủ xưởng cũng cần phải thay đổi để phát triển có chiều sâu hơn. Bên cạnh đó, cần phải chú trọng vào việc nâng cao tay nghề của đội ngũ thiết kế và thợ sản xuất; tối ưu quy trình sản xuất từ thiết kế đến nguyên vật liệu sao cho vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm vừa tối ưu hóa chi phí. Trong tương lai, các nhà xưởng đang nhắm đến việc sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường nhằm hạn chế sự ô nhiễm và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng là xu thế mới hướng tới sự phát triển bền vững".

Thị trường ngày nay, đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn nhất là trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng không những trong khu vực và thế giới. Hữu Bằng vẫn đang nỗ lực ngày đêm để giữ vững nghề truyền thống góp phần khẳng định "độc đáo" riêng của làng nghề gỗ truyền thống Hữu Bằng.
Ý kiến của bạn