Xã hội

Xã Hòa Bình, huyện Thường Tín: Nhiều giải pháp đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

(VOVTV) - Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình hành động thiết thực để cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng các cấp sát với tình hình thực tế ở địa phương. Đặc biệt, trên cơ sở triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã Hòa Bình đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung phát triển kinh tế, xã hội hiệu quả, bền vững.

Tác giả Trọng Hiếu / VOVTV
26/04/2021 11:52

Phát huy tiềm năng, thế mạnh

Xã Hòa Bình nằm ở phía Tây Bắc của huyện Thường Tín, cách trung tâm huyện khoảng 3km. Tổng diện tích đất tự nhiên 390.83ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 266.87ha, đất phi nông nghiệp 123.96ha.

Toàn xã có gần 2.100 hộ với gần 7.300 nhân khẩu, sinh sống ở các thôn Phụng Công, Quần Hiền, Dưỡng Hiền, Thụy Ứng và khu dân cư Bệnh viện TTTW1. Người dân xã Hòa Bình gắn bó lâu đời với sản xuất nông nghiệp, giàu kinh nghiệm thâm canh lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Từ thế kỷ XV, một số nghề thủ công ra đời, phát triển, trong đó, nghề làm lược sừng ở Thụy Ứng, nghề mộc ở Phụng Công trở thành nghề truyền thống của địa phương. Từ thực tiễn sản xuất, người dân lao động cần cù, sáng tạo, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp đã tạo nên một nền kinh tế phong phú và đa dạng.

Xã Hòa Bình, huyện Thường Tín: Nhiều giải pháp đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống - Ảnh 1.

Xã Hòa Bình tiếp tục mở rộng điểm công nghiệp làng nghề giai đoạn 2 tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình Nguyễn Văn Học, vui mừng cho biết, nhiệm kỳ vừa qua, cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp xây dựng chiếm 64,76%, thương mại dịch vụ 26,71%, nông nghiệp 8,53%, đạt mục tiêu đề ra.

Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Năm 2019, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng đã xác định rõ mục tiêu: Khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực và bền vững.

Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh.

Xã Hòa Bình, huyện Thường Tín: Nhiều giải pháp đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống - Ảnh 2.

Nghề làm lược sừng ở Thụy Ứng tạo nguồn thu nhập cao cho nhiều gia đình trên địa bàn xã

Xã Hòa Bình phấn đấu đến năm 2025: CN - TTCN - xây dựng 65%, thương mại dịch vụ 27%, nông nghiệp 8%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 76 triệu đồng/người/năm. 100% cơ quan, thôn, khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa. 100% Chi bộ Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó, số Chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm đạt 20% trở lên. 100% đảng viên hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó, Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 15% trở lên…

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Hoàng Văn Thắng, cho biết thêm: "Định hướng phát triển kinh tế của địa phương vẫn coi trọng CN - TTCN, tập trung đầu tư phát triển các mặt hàng TTCN ở các làng nghề. Chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao dựa trên cơ sở đất đai, lợi thế của địa phương. Trong đó, tập trung chỉ đạo phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh, giá trị, hiệu quả cao, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa".

Xã Hòa Bình, huyện Thường Tín: Nhiều giải pháp đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống - Ảnh 3.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Hoàng Văn Thắng, cho biết, “Coi trọng phát triển CN-TTCN, xây dựng mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa”

Đột phá để phát triển

Thực hiện Nghị quyết của Đảng các cấp, xã tập trung đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình hành động, coi trọng phát triển kinh tế, xã hội. Người dân trong xã cũng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới.

Được xã tạo điều kiện, năm 2020, anh Nguyễn Xuân Huy, thôn Thụy Ứng đã cải tạo hơn 7.000m2 đất sình lầy ven sông để xây dựng trang trại sản xuất nông nghiệp. Trong đó, hơn 1.000m2 đất được anh trồng dưa lưới, lắp đặt hệ thống nhà màng chuyên dụng, có hệ thống thông gió và tưới tiết kiệm nước theo công nghệ Israel cảm biến độ ẩm tự động.

Xã Hòa Bình, huyện Thường Tín: Nhiều giải pháp đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống - Ảnh 4.

Mô hình sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Xuân Huy là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp sạch ở địa phương

Anh Nguyễn Xuân Huy cho biết, đây là mô hình sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của huyện Thường Tín. Mô hình được sản xuất theo hướng sử dụng phân bón hữu cơ, tăng tỷ lệ đậu và chất lượng quả. Với diện tích nhà trồng dưa lưới này sẽ làm được 2.300 - 2.500 bầu, mỗi bầu trồng 1 cây.

Từ khi trồng đến khi thu hoạch từ 70 - 75 ngày. Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi lứa dưa cho thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Sản phẩm dưa được xuất bán tại hệ thống cửa hàng, siêu thị hoa quả sạch, cung cấp cho thị trường tiêu thụ nội thành Hà Nội.

Từ mô hình đột phá này, xã Hòa Bình nói riêng, huyện Thường Tín nói chung, sẽ nhân rộng ở những nơi có điều kiện sản xuất phù hợp, đặc biệt là khuyến khích nhân rộng mô hình sản xuất bằng phân hữu cơ, nhằm tạo ra sản phẩm sạch và an toàn cho thị trường.

Xã Hòa Bình, huyện Thường Tín: Nhiều giải pháp đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống - Ảnh 5.

Hệ thống đường giao thông, điện lưới được đầu tư đồng bộ

Để phát triển kinh tế, xã hội hiệu quả, bền vững, xã Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, có tính đột phá. Theo đó, xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng mở rộng điểm công nghiệp làng nghề giai đoạn 2, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tạo thương hiệu trên thị trường.

Đồng thời, đẩy mạnh việc phát triển nghề mới, tạo thêm việc làm, tăng giá trị sản phẩm. Gắn phát triển bền vững làng nghề với du lịch. Giải quyết vệ sinh môi trường trong khu dân cư, đặc biệt là môi trường làng nghề. Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển vùng sản xuất theo hướng chuyên canh, phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng mô hình trang trại kết hợp dịch vụ du lịch. Đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng công nghiệp, tập trung, xa khu dân cư. Khai thác các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường học và trạm y tế trên địa bàn xã. Phấn đấu xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Quản lý chặt chẽ diện tích đất công, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai. Sớm hoàn thành việc cấp giấy CNQSD đất ở cho nhân dân. Giải quyết kịp thời các vụ việc tranh chấp đất trong nhân dân. Thực hiện tốt việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

Quản lý và khai thác hiệu quả các nhà văn hóa; đầu tư bảo tồn, tôn tạo, khai thác các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, duy trì "nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội".

Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng hiệu quả phong trào thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ ở các thôn, cụm dân cư. Nâng cao chất lượng dạy và học, duy trì phổ cập giáo dục THCS. Nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm giáo dục cộng đồng, hội khuyến học tại các thôn, khu dân cư. Duy trì Trạm Y tế xã đạt chuẩn Quốc gia.

Thực hiện tốt các chính sách người có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sĩ. Quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động. Huy động sức mạnh tổng hợp, áp dụng nhiều hình thức vận động xây dựng quỹ "Vì người nghèo" của xã, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới, hạn chế tái nghèo…

Xã Hòa Bình, huyện Thường Tín: Nhiều giải pháp đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống - Ảnh 6.

Xã phấn đấu đến năm 2025, 100% cơ quan, thôn, khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa

Về công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy Đảng trên địa bàn xã Hòa Bình tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ đảng viên, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết TW4 khóa XI, XII, tự phê bình và phê bình trong Đảng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên.

Thực hiện đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi, Đảng bộ. Xây dựng tác phong, lối làm việc sâu sát, lãnh đạo gắn với kiểm tra việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Phân công đảng viên phụ trách từng lĩnh vực, công việc và hộ gia đình gắn với việc kiểm điểm đánh giá phân loại đảng viên và Chi bộ hàng năm…

Đứng trước thời cơ và vận hội mới, Đảng bộ và nhân dân xã Hòa Bình nêu cao tinh thần quyết tâm, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, chủ động sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tập trung trí tuệ, thống nhất ý chí để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết của Đảng đã đề ra, phấn đấu là địa phương có nền kinh tế phát triển khá của huyện Thường Tín.

Ý kiến của bạn