WHO: Nhiều nước châu Phi đạt mục tiêu tiêm vaccine ngừa Covid-19
Đến 6h ngày 20/9, thế giới ghi nhận 229.256.790 ca nhiễm Covid-19, trong đó 4.704.833 người đã tử vong, 205.877.864 người đã bình phục.
Châu Âu
Lục địa già là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai của dịch Covid-19 với hơn 57,6 triệu ca nhiễm, trong đó 135.203 trường hợp đã tử vong.
Anh tiếp tục là nước có số ca nhiễm nhiều nhất châu lục, với 7.429.746 ca (29.612 ca nhiễm mới). Theo kế hoạch, Đảo quốc sương mù sẽ cung cấp liều tiêm vaccine tăng cường cho 1,5 triệu người dân tại vùng England trong những ngày tới.
Nga là quốc gia đứng thứ hai châu lục về số ca nhiễm, hiện ở mức 7.274.928 ca (20.174 ca nhiễm mới). Đây cũng là hai quốc gia có tốc độ gia tăng ca nhiễm mới nhiều nhất châu Âu.
Châu Á
Đến nay, châu Á đã vượt ngưỡng 74,1 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 1.098.145 trường hợp đã tử vong.
Ấn Độ đang cân nhắc mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài trong bối cảnh tình hình dịch bệnh lắng dịu. Theo đó, 500.000 khách nước ngoài đầu tiên sẽ được cấp thị thực miễn phí trong nỗ lực nhằm hồi sinh các ngành du lịch, khách sạn và hàng không, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch kể từ tháng 3 năm ngoái khi New Delhi ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt.
Thị thực miễn phí sẽ được cấp cho du khách nước ngoài cho đến ngày 31/3/2022 hoặc cho đến khi cấp đủ cho 500.000 người. Biện pháp này sẽ có chi phí ước tính khoảng 1 tỷ rupee (13,5 triệu USD) và được cho là sẽ khuyến khích du khách đến thăm Ấn Độ ngắn ngày.
Trung Quốc đại lục ghi nhận 66 ca mới, trong đó có 43 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 23 ca nhập cảnh. Theo số liệu mới nhất, tổng số người tại Trung Quốc đã hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 là 1,1 tỷ, tương đương 78% dân số nước này. Hiện Trung Quốc là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cao nhất thế giới.
Lào ghi nhận 371 ca mắc mới; trong đó có tới 303 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Lào là 19.185 ca, trong đó có 16 người tử vong. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục ghi nhận số ca cộng đồng cao nhất cả nước với 225 ca; trong đó ổ dịch tại một nhà máy may mặc trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp khi ghi nhận 179 ca mới trong một ngày.
Để ứng phó, Lào đã khẩn cấp phong tỏa toàn diện 4 quận trung tâm thủ đô Viêng Chăn, đồng thời phong tỏa một phần 3 quận khác. Viêng Chăn cũng đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh chặt chẽ, trong đó bao gồm việc cách ly người vào thành phố từ vùng dịch khác trong 14 ngày và cấm người dân di chuyển đến các khu vực có cấp độ dịch từ mức độ 2 trở lên.
Tại Malaysia, chính phủ nước này đã quyết định tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa Covid-19 cho những nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi để nâng cao sự bảo vệ của hệ miễn dịch.
Indonesia đã tiếp nhận thêm 1.140.750 liều vaccine Covid-19 của hãng Pfizer. Đây là lô vaccine thứ ba do Mỹ viện trợ qua Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX). Trước đó, Indonesia đã tiếp nhận 877.500 liều vào ngày 16/9 và 1.755.000 liều vào ngày 17/9. Lô thứ tư với 871.650 liều dự kiến sẽ được bàn giao vào ngày 23/9.
Iran đã cho mở cửa trở lại các bảo tàng ở thủ đô Tehran và nhiều thành phố khác sau hơn 1 năm ngừng hoạt động vì đại dịch Covid-19.
Châu Mỹ
Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới, hiện đã ở mức 42.899.389 ca (31.214 ca nhiễm mới). Trong đó, có 691.876 người đã tử vong.
Theo hãng tin Bloomberg, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đàm phán mua thêm 500 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer (Mỹ) để tài trợ cho các nước.
Châu Phi
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực, tới nay đã có 13 quốc gia châu Phi đạt mục tiêu tiêm chủng mà tổ chức này đề ra: 10% dân số được chủng ngừa đầy đủ vào cuối tháng 9.
Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh tình trạng thiếu nguồn cung vaccine vẫn là rào cản chính khiến tốc độ tiêm ở nhiều nước châu Phi hết sức chậm chạp. Năm 2021, các nước trong khu vực dự kiến sẽ thiếu khoảng 470 triệu liều vaccine Covid-19 để đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 40% người dân.
Hiện châu Phi đang có hơn 8,2 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó Nam Phi vẫn là nước bị ảnh hưởng trầm trọng nhất với 2.882.630 trường hợp.
Tin nổi bật
Tin Video