Kinh tế

WB/IMF cảnh báo những biểu hiện đầu tiên của “một thập kỷ mất mát”

VOV.VN - Chủ tịch Ngân hàng thế giới David Malpass nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã cùng lúc đẩy nhiều nền kinh tế vào suy thoái và có thể dẫn đến những biểu hiện đầu tiên của “một thập kỷ mất mát”.

14/10/2020 12:00

Cuộc khủng hoảng sức khỏe chưa từng có do đại dịch Covid-19 và gánh nặng nợ nần ngày một lớn mà những nước nghèo đang phải đối mặt là trọng tâm của Hội nghị thường niên Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa khai mạc tại thủ đô Washington (Mỹ). Lần đầu tiên trong lịch sử cuộc họp phải diễn ra theo hình thức trực tuyến dù trụ sở của cả 2 thể chế tài chính quốc tế này đều được đặt ở trung tâm thủ đô nước Mỹ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại sau gần 1 năm bùng phát.

Giải thích về bối cảnh đặc biệt khó khăn này, Chủ tịch Ngân hàng thế giới David Malpass nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã cùng lúc đẩy nhiều nền kinh tế vào suy thoái hơn bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác kể từ năm 1870 và có thể dẫn đến những biểu hiện đầu tiên của “một thập kỷ mất mát”. Đó là thời kỳ của sự tăng trưởng chậm chạp, sự sụp đổ của nhiều hệ thống y tế, giáo dục và nợ nần chồng chất. Và bao giờ cũng thế, người dân tại những nước nghèo nhất vẫn sẽ là những đối tượng chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất và lâu dài nhất.

Quỹ tiền tệ quốc tế dù cho rằng, nền kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng “tốt hơn so với dự kiến” trong nửa cuối của năm nay bất chấp những tác động của đại dịch, song cũng dự báo về một “chặng đường khó khăn kéo dài, không bằng phẳng và không chắc chắn” ở phía trước.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ tiền tệ quốc tế Gita Gopinath cho biết: “Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, và sẽ cần có sự đổi mới đáng kể trên mặt trận chính sách ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ quốc tế để phục hồi sau cuộc khủng hoảng lớn này. Chúng ta có một cú sốc thực sự, một cú sốc với quy mô lớn. Đó là một đại dịch, một cuộc khủng hoảng y tế về cơ bản đã đóng cửa các ngành dịch vụ trên toàn thế giới, đóng cửa nhu cầu tiêu dùng trong các nền kinh tế và ngăn cản đầu tư. Nghiêm trọng hơn là đại dịch vẫn chưa kết thúc, có nghĩa là những tác động có thể còn tồi tệ hơn”.

Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu công bố cùng ngày, Quỹ tiền tệ quốc tế đã đưa ra mức dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm khoảng 4,4% trong năm 2020, thay vì mức giảm tới 4,9% mà IMF dự báo hồi tháng 6/2020. Việc điều chỉnh dự báo kinh tế toàn cầu theo hướng lạc quan hơn xuất phát từ kết quả kinh tế toàn cầu trong Quý 2 không quá tồi tệ như dự báo trước đó, cũng như kinh tế toàn cầu trong Quý 3 có những tín hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn.

Điều này một phần được giải thích là nhờ những biện pháp đặc biệt và thậm chí là chưa từng có nhằm ngăn chặn nền kinh tế thế giới sụp đổ. Khoảng 12.000 tỷ USD hỗ trợ ngân sách đã đến tay các hộ gia đình và doanh nghiệp.  Và các biện pháp chính sách tiền tệ chưa từng có đã giúp duy trì dòng tín dụng, đảm bảo cho hàng triệu doanh nghiệp trụ vững. Tuy nhiên, khả năng ứng phó của các nước nghèo vẫn còn hạn chế cả về các biện pháp kiểm soát đại dịch, cũng như phục hồi hoạt động kinh tế.

Hội nghị thường niên Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế được xem như một khuôn khổ “lý tưởng” để nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hỗ trợ những nước nghèo và đang phát triển, đặc biệt là tại châu Phi để châu lục có thể đẩy nhanh tiến độ phục hồi lâu dài. Trong một bước đi nhằm thể hiện sự đoàn kết, bên lề Hội nghị, Ngân hàng thế giới hôm qua thông báo đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ 12 tỷ đôla nhằm đảm bảo những nước đang phát triển có thể tiếp cận nhanh chóng với vắc-xin ngừa Covid-19 một khi sẵn sàng.

Ngoài đại dịch Covid-19 và nợ, cuộc chiến chống đói nghèo, phát triển kin tế, hiệu quả hỗ trợ, biến đổi khí hậu,... cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị thường niên Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế dự kiến kéo dài đến ngày 18/10 tới./.

Thu Hoài/VOV1
Ý kiến của bạn