Khám phá

Vượt qua sông sâu, cầu treo 500 năm tuổi dẫn về quá khứ

(VOVTV) - Một cây cầu treo bện bằng cỏ của người Inca ở Peru bị hỏng do dịch Covid-19 đang được những người dân làm lại bằng chính phương pháp của tổ tiên. Với họ, cây cầu này không chỉ nối liền các làng mạc hai bên bờ vực sâu, mà còn nối họ với quá khứ, với tổ tiên nghìn đời.

Tác giả Thu Trang  -  
16/06/2021 11:20

Những người dân làng Huinchiri ở tỉnh Cusco, Peru đang làm lại cây cầu treo Qeswachaka của người Inca bằng phương pháp truyền thống sử dụng dây bện cỏ khô.Theo hãng thông tấn Andina, cầu Qeswachaka dài 33 mét, rộng 1,2 mét, là biểu tượng của văn hóa của cộng đồng khu vực này.

Cây cầu treo này đã nối các làng mạc hai bên bờ sông Apurimac trong suốt 500 năm qua. Đại dịch Covid-19 xảy ra khiến cây cầu không được bảo dưỡng nên tới tháng 3 năm nay, cầu đã bị dão ra và võng xuống.

2021-06-15T231154Z_634996122_RC299L99XIIV_RTRMADP_3_PERU-BRIDGE.JPG

Cây cầu kết nối người dân hai bên bờ sông Apurimac. Ảnh: Reuters

Dân làng Huinchiri và các ngôi làng ven sông đã quyết định làm lại cây cầu này theo đúng cách truyền thống của người Inca, tức là bện cỏ khô thành dây làm cầu.

2021-06-15T231006Z_378995460_RC279L9API3E_RTRMADP_3_PERU-BRIDGE.JPG

Cầu Qeswachaka được bện theo kỹ thuật truyền thống của người Inca. Ảnh: Reuters

Ông Jean Paul Benavente, Thị trưởng thành phố Cusco chia sẻ: "Cây cầu Qeswachaka này, cây cầu đã sống qua 500 năm lịch sử này là hình ảnh biểu thị cho văn hóa của người Inca. Làm lại cây cầu này không chỉ để nối các ngôi làng mà còn là kết nối truyền thống, kết nối văn hóa."

Năm 2013, UNESCO đã công nhận những kiến thức và nghi lễ liên quan đến việc tái thiết cầu Qeswachaka là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

2021-06-15T230929Z_961419572_RC259L9PJ9WA_RTRMADP_3_PERU-BRIDGE.JPG

Cầu treo Qeswachaka được làm bằng dây bện từ cỏ. Ảnh: Reuters

Được làm bằng dây bện, cây cầu treo cuối cùng của người Inca còn sót lại được bảo dưỡng hàng năm vào tháng Sáu. Thông thường, đây sẽ là một nghi thức phức tạp, với đầy đủ các lễ vật cúng tế. Hàng trăm người sẽ tụ tập trong vòng ba ngày từ sáng tới đêm để bện dây làm cầu. 

Loại cỏ sử dụng làm cầu là loại cỏ quen thuộc trên vùng núi Andes, là thức ăn cho gia súc, là vật liệu lợp nhà cho người, và dĩ nhiên, làm dây buộc cực kỳ chắn chắn khi có thể treo tới 10 người cùng một lúc cũng không đứt.

2021-06-15T230556Z_1262854469_RC299L9UYJFA_RTRMADP_3_PERU-BRIDGE.JPG

Thành quả sắp hoàn thiện của dân làng Huinchiri. Ảnh: Reuters

Dù có một cây cầu hiện đại mới được xây cách đây 30 năm ở gần đó, nhưng những người dân trong vùng vẫn giữ nguyên truyền thống và kỹ thuật làm cầu bằng cách giữ gìn cây cầu này qua năm tháng. Với họ, việc bảo dưỡng cầu hàng năm đã trở thành một nghi thức để bày tỏ lòng kính trọng tổ tiên và Mẹ Trái đất. 

Trước dịch Covid-19, đây là sự kiện thu hút nhiều du khách dù đi từ thành phố Cusco tới đây phải mất 5 tiếng đi xe.

2021-06-15T231618Z_787562536_RC299L9CVGXA_RTRMADP_3_PERU-BRIDGE.JPG

Việc bảo dưỡng cầu hàng năm đã trở thành một nghi thức của người dân ở đây. Ảnh: Reuters

Peru là quốc gia có kho tàng cổ vật phong phú, với hàng trăm di tích có niên đại hàng nghìn năm, trải qua hàng chục nền văn hóa, trong đó có nền văn hóa rực rỡ của người Inca, thịnh vượng tới tận đầu thế kỷ 16, khi người Tây Ban Nha bắt đầu đặt chân đến.

Ý kiến của bạn