Vượt mốc 5 triệu ca tử vong do Covid-19, thế giới đã đối mặt với điều tồi tệ nhất?
Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 30/10, số ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 5 triệu ca. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa kết thúc khi mùa đông đang đến gần và thế giới có thể chứng kiến số ca mắc bệnh và tử vong tăng vọt.
Cột mốc u ám mới
Một mối lo ngại khác là sự thiếu công bằng trong việc tiếp cận với vaccine trong bối cảnh khoảng 50% dân số trên thế giới vẫn chưa được tiêm chủng. Trong khi một số quốc gia đã tiêm chủng cho phần lớn dân số và đang lên kế hoạch tiêm mũi tăng cường, nhiều nước khác đang thiếu hụt nguồn cung vaccine. Điều này nghĩa là khi một số nước kiểm soát được đại dịch Covid-19, những quốc gia khác vẫn tiếp tục bị tàn phá bởi làn sóng lây nhiễm mới.
“Các nước có tỷ lệ người cao tuổi lớn sẽ hiểu được gánh nặng của việc có nhiều ca tử vong. Điều này sẽ đặt ra những thách thức về tác động của Covid-19 đối với các quốc gia”, Leo Yee Sin, Giám đốc điều hành Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm của Singapore, cho biết.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mỗi ngày thế giới ghi nhận trung bình 7.711 ca tử vong do dịch bệnh. Nhưng hơn 50% tổng số ca tử vong, khoảng 3,1 triệu người, được báo cáo trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 – 30/10/2021, với trung bình 10.329 ca tử vong mỗi ngày. Từ ngày 1/7, số người chết trung bình mỗi ngày do Covid-19 là 8.656 người.
Khi số ca mắc bệnh trên toàn cầu tăng lên hơn 247 triệu ca, các chương trình tiêm chủng và phương pháp điều trị Covid-19 đã giúp giảm đáng kể mối đe dọa do đại dịch gây ra.
Tuy nhiên, thế giới sẽ chưa thể xóa sổ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 trong tương lai gần.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta đang bắt đầu hiểu ý nghĩa của việc sống chung lâu dài với đại dịch”, Tiến sĩ Stephen Kissler tại khoa miễn dịch học của Trường Y tế Công cộng TH Chan thuộc Đại học Harvard nói.
Một số chuyên gia cho biết, các ca tử vong do Covid-19 dựa trên dữ liệu được báo cáo chính thức không phản ánh con số thương vong thực sự. “Tử vong không chỉ vì dịch bệnh. Căng thẳng tinh thần đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng khi đại dịch kéo dài. Hai quốc gia châu Á là Nhật Bản và Singapore đã chứng kiến tỷ lệ tự tử tăng từ 13% lên 16%. Cách ly, mất thu nhập, nỗi sợ hãi về đại dịch đã gây ra những tổn hại lớn nhất đối với người cao tuổi”, chuyên gia Leo Yee Sin cho biết.
Yếu tố thay đổi diễn biến đại dịch
“Yếu tố thay đổi diễn biến trong đại dịch Covid-19 là việc tiêm chủng. Ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, vaccine bảo vệ dân số chống lại các biến chứng Covid-19 nghiêm trọng, bao gồm cả nhập viện và tử vong”, Giáo sư dịch tễ học Albert Ko tại Trường Y tế Công cộng Yale nêu rõ.
Khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính tỷ lệ tử vong là 2%. Nhưng trong những tháng tiếp theo, con số này đã tăng cao tới 7,3% vào tháng 5/2020. Vào thời điểm này, thế giới có khoảng 6,1 triệu ca mắc bệnh.
Tuy nhiên, nhờ các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt, tỷ lệ tử vong đã giảm xuống còn 2,02%, phù hợp với ước tính của WHO, ngay cả khi số ca bệnh đã tăng lên hơn 247 triệu ca.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ tử vong giảm dù số ca mắc bệnh vẫn tăng vọt phần lớn là nhờ vaccine.
Tiến sĩ Alex Richter tại Đại học Birmingham cho biết, vaccine không phải là điều duy nhất làm giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19. “Đó là sự kết hợp giữa vaccine và các phương pháp điều trị hiện tại”, ông Richter nói, đề cập đến việc sử dụng các loại thuốc như dexamethasone cho những người mắc Covid-19 nghiêm trọng.
“Liệu có ngăn chặn được số ca tử vong hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào năng lực của hệ thống y tế tại các quốc gia, và điều quan trọng là khả năng của mỗi nước trong việc tiếp nhận, sản xuất và triển khai các phương pháp điều trị cứu sống”, bà Leo Yee Sin nói.
Bà Leo Yee Sin cho biết, các phương pháp điều trị như thuốc kháng thể đơn dòng và thuốc kháng virus mới sẽ sớm được cung cấp.
“Điều này hy vọng sẽ giúp ngăn chặn số ca nhập viện và tử vong ở các nước có thu nhập thấp và trung bình”, Charles Gore, Giám đốc điều hành Medicines Patent Pool - tổ chức y tế công cộng được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, cho biết.
Sai lầm trong cuộc chiến Covid-19
Nhiều chuyên gia cho rằng, những sai lầm trong chính sách về Covid-19 ở một số quốc gia đã khiến số ca tử vong tăng cao.
“Có lẽ điều quan trọng nhất dẫn đến thành công hay thất bại trong đại dịch này là cách điều hành”, Tiến sĩ Albert Ko nói.
Ông Albert Ko dẫn chứng tình hình dịch bệnh tại Mỹ trong làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta gây ra gần đây. Theo đó, các bang miền Tây như California có tỷ lệ tử vong thấp, trái ngược với các bang miền Nam, nơi các thống đốc không đưa ra thông điệp mạnh mẽ về việc tiêm chủng hoặc đeo khẩu trang, dẫn đến tỷ lệ tử vong ở khu vực này tăng cao.
“Nếu tất cả các tiểu bang ở Mỹ đều có tỷ lệ tiêm chủng cao như ở New England hoặc Connecticut, 90.000 người có thể đã được cứu sống”, ông Albert Ko nói.
“Hành động của các quan chức đóng vai trò quan trọng trong việc đầy lùi dịch bệnh. Sự lãnh đạo mạnh mẽ, dựa trên cơ sở khoa học, trong đại dịch có thể ngăn chặn nhiều ca nhập viện và tử vong”, Tiến sĩ Kissler nói.
Vẫn trong trạng thái khủng hoảng
Mặc dù tỷ lệ tử vong giảm, nhưng thế giới vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn đại dịch Covid-19.
“Số ca mắc bệnh trên thế giới vẫn ở mức cao và biến thể Delta vẫn tiếp tục lây lan. Mùa đông đang đến và chúng ta không biết liệu có biến thể mới nào xuất hiện hay không, điều này có thể khiến số ca bệnh tăng vọt một lần nữa”, Tiến sĩ Richter nhận định.
Tiến sĩ Kissler cũng có cùng quan điểm, nói rằng: “Tôi nghĩ chúng ta vẫn chưa thoát khỏi trạng thái ‘khủng hoảng’ trong đại dịch này. Vẫn còn nhiều nơi trên thế giới phải hứng chịu những làn sóng lây nhiễm lớn và hệ thống y tế quá tải, đặc biệt là do sự lan rộng của biến thể Delta. Tuy nhiên, theo thời gian, tôi dự đoán rằng Covid-19 sẽ không còn gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống hàng ngày của chúng ta giống như trong 2 năm qua”.
Theo Straits Times, cần tăng cường các nỗ lực toàn cầu để đảm bảo nhiều người hơn được tiêm chủng, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo.
“Chúng ta nên hành động một cách có đạo đức. Chúng ta cần nhiều vaccine hơn và cần phân phối vaccine công bằng hơn vì điều đó có thể tiêm chủng nhanh hơn cho tất cả các quốc gia”, Tiến sĩ Richter nói.
Tiến sĩ Kissler bày tỏ lo lắng về những nơi trên thế giới có tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp. “Các quốc gia có vaccine dư thừa nên chia sẻ với các khu vực khác trên thế giới và phải xây dựng năng lực sản xuất vaccine ở những nơi khó khăn trên toàn cầu. Nếu muốn ngăn chặn đại dịch này, chúng ta cần hành động với tư cách là một cộng đồng toàn cầu”, ông Kissler nhấn mạnh.
Ông Albert Ko nhắc lại sự nguy hiểm của việc tiếp cận vaccine không công bằng khi nhiều quốc gia đã tiêm chủng cho phần lớn dân số đang dự định mua thêm vaccine để tiêm mũi tăng cường.
“Chúng ta đang sống trong một thế giới có tính kết nối cao và nếu sự lây truyền không kiểm soát xảy ra ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, biến thể mới có thể sẽ xuất hiện”, ông Albert Ko nói, cảnh báo về nguy cơ xuất hiện biến thể mới có khả năng kháng vaccine.
Tin nổi bật
Tin Video