Vướng mắc gì khiến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa thể vận hành?
Vướng mắc gì khiến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến thời điểm này vẫn chưa thể “chốt” ngày vận hành thương mại là câu hỏi được nhiều người đặt ra.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa thay mặt Chính phủ gửi báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội và TP.HCM, trong đó có Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (đường sắt Cát Linh – Hà Đông).
Theo báo cáo, ngày 24/3 vừa qua, đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành nghiệm thu tổng thể toàn dự án theo tiêu chuẩn và thiết kế, bảo đảm đầy đủ công năng cũng như các chỉ tiêu yêu cầu. Hiện công trình đã được cấp chứng nhận an toàn hệ thống, đủ điều kiện để bàn giao đưa vào vận hành khai thác.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại tuyến đường Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa “chốt” ngày vận hành thương mại khiến dư luận hoài nghi, bức xúc.
Thông tin về mốc thời gian dự kiến đưa dự án vào khai thác, đại diện Bộ GTVT cho hay hiện Bộ GTVT đã hoàn thành công tác nghiệm thu dự án. Trên cơ sở kết quả nghiệm thu các công trình thành phần, nghiệm thu tổng thể, Bộ GTVT đã có báo cáo hoàn thành gửi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đề nghị tiến hành kiểm tra và có ý kiến chấp thuận về công tác nghiệm thu dự án.
Nhưng do dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp (bao gồm nhiều chuyên ngành), lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nên quá trình hoàn thiện thủ tục nghiệm thu bàn giao kéo dài.
Cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã thường xuyên tổ chức các buổi kiểm tra, rà soát hồ sơ tài liệu trong quá trình thực hiện dự án; đồng thời đã tiến hành kiểm tra tổng thể hiện trường dự án vào ngày 23/7.
Dự kiến Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ tổ chức họp để ra thông báo kết quả kiểm tra cuối cùng trong tháng 10/2021.
“Sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng kiểm tra Nhà nước, Bộ GTVT sẽ tiến hành bàn giao Dự án cho UBND Thành phố Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác theo quy định”, văn bản của Bộ GTVT nêu.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư được điều chỉnh tăng từ 8.769,965 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD thành 18.001,597 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231,632 tỷ đồng (tương đương 315,18 triệu USD).
Công trình được phê duyệt 2008 với thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 11/ 2013. Tuy nhiên, với nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, dự án phải điều chỉnh tiến độ nhiều lần, đến nay vẫn chưa rõ thời gian về đích.
Đáng chú ý, dù chưa thể vận hành thương mại, nhưng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc khoản vay lại theo cơ chế tài chính đã được phê duyệt. Vừa qua, Bộ Tài chính đã phải ứng từ quỹ tích lũy để trả nợ theo cam kết của Chính phủ tại các hiệp định vay đã ký.
Hiện nay, Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ GTVT sớm hoàn thành thủ tục để bàn giao dự án cho UBND TP. Hà Nội, làm cơ sở chuyển giao khoản nợ để TP. Hà Nội thực hiện trả nợ theo cơ chế tài chính của dự án.
Đồng thời, theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng đề xuất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung danh mục “Trả nợ gốc các hiệp định vay của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông” trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT để trả nợ gốc khoản vay lại của dự án.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận việc chậm tiến độ hoàn thành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông để bàn giao cho UBND Thành phố Hà Nội đưa vào khai thác sử dụng gây ra những dư luận không tốt về dự án.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, thời gian qua Thủ tướng đã trao đổi, làm việc với lãnh đạo Chính phủ Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ GTVT, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cũng đã làm việc với đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam, với tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc, đồng thời định kỳ hằng tuần làm việc với tổng thầu nhằm thúc đẩy tiến độ dự án.
Tin nổi bật
Tin Video