Vườn Cơ Hạ - Nơi tụ hội của 'kỳ hoa dị thảo' bốn phương
Cơ Hạ Viên (Vườn Cơ Hạ) là một trong 5 khu vườn thượng uyển nằm trong hoàng cung Huế (gồm Cơ Hạ Viên, Hậu Hồ, Trường Ninh Cung, Ngự Viên và Thiệu Phương Viên).
Vườn được xây dựng từ năm 1837, dưới thời vua Minh Mạng, được nâng cấp, bổ sung và trùng tu nhiều lần dưới thời các vua Thiệu Trị và Tự Đức. Tên chữ Cơ Hạ được lấy từ chữ Vạn cơ thanh hạ (tức là “sự thanh nhàn trong muôn vàn cơ sự”). Vì không muốn xây dựng vườn ở xa để tránh tốn kém và cũng tiện qua lại từ chốn nội cung, nên nhà vua đã cho xây ngay trong Đại Nội Huế.
Vườn Cơ Hạ tọa lạc ở góc đông bắc, rộng gần 5 mẫu (2,3ha), trước giáp phủ Nội vụ, sau giáp Hậu Hồ, hai mặt đông tây giáp tường Hoàng thành và Tử cấm thành. Theo sử liệu triều Nguyễn ghi lại: Đầu thế kỷ 19, đây là Cơ Hạ đường dành cho các Hoàng tử học tập, vui chơi. Năm 1837, vua Minh Mạng mới cho nâng cấp lên thành một khu vườn ngự uyển, nhưng vườn chỉ thực sự nổi tiếng dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847), khi nhà vua cho xây thêm nhiều đình, viện, đài, tạ, mà đặc biệt là dải trường lang hình chữ khẩu chạy vòng quanh các công trình chính, gọi là Tứ Phương Ninh Mật Hồi Lang.
Vườn Cơ Hạ mang phong cách riêng, hoàn toàn khác biệt với 4 khu vườn còn lại trong cung. Bao gồm một quần thể sông hồ, núi động, lầu tạ kết hợp với hệ thống cung điện liên hoàn. Giữa các công trình kiến trúc và cảnh trí thiên nhiên có sự hài hòa, cân đối nhau tạo nên sự hài hòa nên thơ.
Sau những biến động lịch sử liên miên của kinh đô Huế từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ XX, triều Nguyễn đã cho triệt giải dần các công trình kiến trúc chính và phụ vì không có đủ điều kiện chăm sóc. Kể từ đó, Cơ Hạ lộng lẫy, đồ sộ mà nên thơ ngày nào đã dần trôi vào quên lãng và hư hỏng gần hết.
Với quyết tâm hồi sinh vườn Cơ Hạ, tạo điểm nhấn đặc biệt trong khu vực Đại Nội trong dịp Festival Huế, đầu năm 2012, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mạnh dạn đầu tư để làm sống lại không gian khu vườn cổ.
Tại nền móng cũ, Trung tâm đã đầu tư, dựng 3 ngôi nhà rường truyền thống theo hình ảnh để lại của các công trình xưa, cùng với cầu Kim Nghê được dựng lại bằng tre nứa buộc lạt mây. Động Phước Duyên, núi Thọ An được sửa sang, bên cạnh Minh Hồ, sông Trại Vũ được nạo vét, trồng hoa sen, hoa súng và thả cá chép vàng. Phần vườn còn lại được quy hoạch và trang trí bằng các thảm cỏ, thảm hoa và hàng trăm cây cảnh quý của các nghệ nhân hàng đầu xứ Huế…
Tin nổi bật
Tin Video