Tin tức

Vừa vật lộn phòng chống dịch, vựa lúa miền Tây khó khăn tìm giải pháp tiêu thụ lúa gạo

(VOVTV) - Là vựa lúa lớn nhất cả nước, nhưng vào thời điểm này nông dân vùng ĐBSCL đang mỏi mắt tìm thương lái thu mua lúa, doanh nghiệp thì gặp nhiều trở ngại khi phải vật lộn với phương án phòng, chống dịch, lượng gạo tồn kho lớn, không mặn mà với việc thu mua lúa gạo.

Tác giả Phạm Hải / VOV ĐBSCL
21/08/2021 11:45

Giá lúa giảm, giá vật tư đầu vào tăng đang khiến cho nhiều nông dân vùng ĐBSCL lao đao. Để giải quyết vấn đề, nhiều địa phương trong vùng đã đưa ra những giải pháp trước mắt để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. 

Doanh nghiệp còn tồn kho nên không mặn mà thu mua lúa

Tại cuộc họp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các địa phương trọng điểm về lúa gạo vùng ĐBSCL diễn ra vừa qua, nhiều địa phương đặt ra giải pháp và những kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thu hoạch, tiêu thụ, vận chuyển lúa vụ Hè Thu ở vùng ĐBSCL.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa Hè Thu năm 2021 toàn vùng đã thu hoạch hơn 850.000 hecta trong tổng số hơn 1,5 triệu hecta lúa Hè Thu, sản lượng bình quân ước đạt 5,7 tấn/hecta và vụ lúa Hè Thu này với sản lượng ước đạt khoảng 8,7 triệu tấn.

Vừa vật lộn phòng chống dịch, vựa lúa miền Tây khó khăn tìm giải pháp tiêu thụ lúa gạo - Ảnh 1.

Vụ lúa Hè Thu vùng ĐBSCL với hơn 1,5 triệu hecta

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, từ nay đến cuối năm, lúa gạo vẫn dồi dào và liên tục trong các tháng với sản lượng lớn. 

Hiện, các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nên lượng thu mua lúa bị ảnh hưởng và nhiều doanh nghiệp cũng không mặn mà với việc thu mua lúa gạo vì vẫn còn lượng gạo tồn kho trước đây. Ngoài ra, các địa phương gặp khó trong vấn đề thu hoạch lúa còn khâu chế biến, xay xát, tồn trữ và vận chuyển bị đứt gãy đã khiến cho việc thu hoạch, tiêu thụ gặp khó.

Theo ông Lê Thanh Tùng, từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 2,4 đến 2,7 triệu tấn gạo theo kế hoạch và việc ách tắc không chỉ ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu: “Hiện nay, việc xuất khẩu của các doanh nghiệp trước đây vẫn còn gạo tồn kho, do đó, việc đi mua thêm không mặn mà lắm. Ngoài ra, khâu chế biến, sấy lúa, xay xát, tồn trữ, vận chuyển… bị đứt gãy. 

Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu đang đau đầu nhất là việc kiểm định hàng xuất khẩu cũng bị ách tắc. Diễn biến của dịch Covid-19 không diễn ra ở phía ngoài mà còn diễn ra trên các tàu xuất khẩu và trên các tàu của nước ngoài, như thế một tàu ách tắc lại thì nhiều tàu sẽ bị theo. Cái này là theo phản ánh của rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu”.

Không để tình trạng hàng ùn ứ tại cảng

Lúa chín trên đồng mà người dân chưa thể thu hoạch do không có thương lái hay nhân công lao động và câu chuyện lúa ứ đọng trên đồng là điều không thể tránh khỏi. Còn doanh nghiệp thì chật vật phương án “3 tại chỗ”, nay thì phương án “4 tại chỗ”, lượng tồn kho lớn chưa thể tiêu thụ, khâu vận chuyển, xay xát bị ách tắc, đã gây tác động xấu đến chuỗi cung ứng lúa gạo.

Tại Đồng Tháp, trong tháng 8 này sẽ thu hoạch hơn 27.200 hecta, ước sản lượng gần 170.000 tấn. Trong tháng 9, sẽ thu hoạch hơn 68.300 hecta, ước sản lượng hơn hơn 392.000 tấn. Trong khi đó, nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp trên địa bàn chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với lượng lúa cần tiêu thụ cho người dân.

Vừa vật lộn phòng chống dịch, vựa lúa miền Tây khó khăn tìm giải pháp tiêu thụ lúa gạo - Ảnh 2.

Sản lượng vụ Hè Thu toàn vùng ước đạt khoảng 8,7 triệu tấn lúa

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị, cần có chính sách thu mua tạm trữ phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời, có phương án xử lý các lô hàng tại các cảng biển để tiếp nhận các lô hàng mới chuẩn bị xuất khẩu cũng như có giải pháp để giảm giá thành vật tư đầu vào trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

“Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ có chủ trương chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, có phương án xử lý các lô hàng tại các cảng biển để tiếp nhận các lô hàng mới chuẩn bị xuất khẩu, có giải pháp cụ thể để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hiện tại giá thành nó cũng khá cao”, ông Huỳnh Minh Tuấn lên tiếng.

Hiện, việc tiêu thụ lúa gạo ở vùng ĐBSCL gặp khó bởi rất nhiều vấn đề, phần thì thương lái không có đầu ra nên bỏ cọc của người dân, doanh nghiệp tồn kho số lượng lớn nên cũng không mặn mà trong thu mua lúa của người dân và câu chuyện lúa ứ đọng trên đồng là điều không thể tránh khỏi.

Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, địa phương đang gặp khó trong việc tiêu thụ lúa cho người dân, nhất là khâu thu hoạch, vận chuyển. Trên 75% lượng lúa của người dân được các doanh nghiệp ở Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long thu mua. Trước áp lực vụ lúa Hè Thu, Sóc Trăng cũng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến thu mua lúa cho người dân.

“Sóc Trăng sắp tới tháng 8, tháng 9, đầu tháng 10 còn khoảng 110.00 hecta với sản lượng ước trên 600.000 tấn, vấn đề tiêu thụ rất nan giải do các doanh nghiệp trên địa bàn không nhiều, chỉ có một doanh nghiệp, còn lại tiêu thụ 75% là các tỉnh bạn. Việc này đề nghị các tỉnh có các doanh nghiệp mấy năm qua đã hỗ trợ Sóc Trăng thu mua, thu hoạch lúa trong điều kiện dịch bệnh này thì Sóc Trăng cũng tạo điều kiện các tỉnh đến để thu mua”, ông Vương Quốc Nam cho biết.

Các địa phương trong vùng cần thống nhất để tiêu thụ lúa thuận lợi

Về giải pháp thu hoạch, tiêu thụ lúa cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, các doanh nghiệp và nhà máy chế biến phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nên năng lực chế biến, xay xát không được như trước đã khiến giá lúa giảm. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chờ cho giá lúa xuống thấp mới thu mua đã gây khó khăn thêm cho người dân.

Vừa vật lộn phòng chống dịch, vựa lúa miền Tây khó khăn tìm giải pháp tiêu thụ lúa gạo - Ảnh 3.

Nông dân ở một số địa phương vẫn đang chờ thương lái đến thu mua

Ông Trần Anh Thư thông tin thêm, trước những khó khăn trong khâu vận chuyển thì các địa phương trong vùng cần có sự thống nhất để thuận tiện cho doanh nghiệp và thương lái thu mua lúa cho người dân vì hiện nay các địa phương đều thực hiện Chỉ thị số 16. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt trong thu mua lúa gạo của các Công ty nhà nước trong bối cảnh nhiều khó khăn đang hiện hữu.

“Hiện nay, trong số 10 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất trong danh sách mà Bộ Công thương thông báo của Việt Nam thì có Tổng Công ty lương thực Vinafood 1 và Vinafood 2, nhưng hiện nay ông lại “án binh bất động”, kho thì đang để trống mà không biết lý do tại sao. 

Như vậy, có nghĩa là bên cạnh các doanh nghiệp khác họ đang hết sức nỗ lực để thu mua quá năng lực thì họ còn đang tiếp cận hỗ trợ cho tỉnh như Tập đoàn Lộc Trời, Angimex và các doanh nghiệp khác. Hai ông lớn nhất nằm trong hiệp hội ngành hàng lúa gạo thì hiện nay đang án binh bất động, ở góc độ chúng ta cũng phải làm việc với hai doanh nghiệp này vì đây là hai doanh nghiệp nhà nước”, ông Trần Anh Thư nói.

Vừa vật lộn phòng chống dịch, vựa lúa miền Tây khó khăn tìm giải pháp tiêu thụ lúa gạo - Ảnh 4.

Thu hoạch lúa Hè Thu ở ĐBSCL

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, trước giờ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nói nhiều đến vấn đề liên kết thì đây cũng là dịp để liên kết lại với nhau. Bởi không gian kinh tế lúa gạo không chia theo địa giới hành chính mà các doanh nghiệp ở địa phương này nhưng thu mua ở các địa phương khác và thương lái cũng không nằm ngoài, chỉ cần đứt gãy ở một cung đường sẽ gây ra ùn ứ.

Bộ trưởng cho rằng, mặc dù doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn nhưng cũng cần thể hiện vai trò chủ động, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và người nông dân và đây cũng là cơ hội để xây dựng doanh nghiệp.

Vừa vật lộn phòng chống dịch, vựa lúa miền Tây khó khăn tìm giải pháp tiêu thụ lúa gạo - Ảnh 5.

Người dân vùng ĐBSCL đang gặp khó trong tiêu thụ lúa Hè Thu

“Trong điều kiện không bình thường thế này, Bộ, ngành Trung ương cũng có trách nhiệm với nông dân, doanh nghiệp lại càng có trách nhiệm với nông dân là người trực tiếp chúng ta bắt đầu câu chuyện để liên kết. 

Tôi nói các đồng chí, tại sao liên kết ở ĐBSCL hay bị gãy đổ? Bởi liên kết dựa trên niềm tin, mà niềm tin chúng ta xây dựng lúc này, lúc hoạn nạn này cần có nhau. Người nông dân sống cũng bằng cảm xúc, người ta thấy rằng doanh nghiệp lúc này san sẻ, chính quyền địa phương, ngành chuyên môn ai cũng vô thì có thể những khó khăn này họ giải tỏa được một phần nào và họ biết rằng khó này là khó chung, được sự chia sẻ chung, đó mới là câu chuyện bền vững”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thắn nói.

Rõ ràng, trước những khó khăn ở vụ lúa Hè Thu đang đặt ra nhiều thách thức cho cả ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân, chuỗi cung ứng từ cánh đồng đến nhà máy đang bị đứt gãy gây khó cho người dân, doanh nghiệp. 

Với áp lực vụ lúa Hè Thu, đã có những giải pháp được đưa ra từ việc tiếp cận nguồn tín dụng, đề xuất thu mua tạm trữ hay lưu thông bằng đường thủy là những giải pháp cần sớm được triển khai khi hàng triệu hộ dân lúc này đều mong muốn đảm bảo lợi nhuận và không để tình trạng lúa chính trên đồng mà chưa thể thu hoạch trong tình cảnh khó khăn vẫn đang bủa vây.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn