Vua Tut, vị Pharaoh bí ẩn nhất Ai Cập cổ đại
(VOVTV) - Một trăm năm trước đây vào ngày 4/11/1922, một cậu bé 12 tuổi người Ai Cập tên là Hussein vấp phải một hòn đá khi đang lấy nước cho nhóm các nhà tại Thung lũng của các vị vua ở Luxor. Cú vấp ngã này đã nhanh chóng trở thành bước đi đầu tiên dẫn tới phát hiện gây chấn động thế giới lúc bấy giờ: ngôi mộ của vua Tutankhamun.
Sinh năm 1341 TCN, vị vua trẻ tuổi trị vì Ai Cập cổ đại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, từ khi ông mới 9 tuổi và qua đời khi chưa đầy 19 tuổi. Các nhà khảo cổ học mô tả triều đại của ông là một trong những triều đại đã mang lại sự ổn định cho một vùng đất khi đó đang bất ổn.
Ông được chôn cất trong Thung lũng của các vị Vua và mộ của ông được niêm phong kín để cho không người nào thấy được hàng nghìn báu vật chất đầy trong mộ.
Toàn bộ kho báu này đã được chôn vùi dưới cát trong hàng nghìn năm, cho tới năm 1922, khi các nhà khảo cổ, dưới sự dẫn dắt của nhà Ai cập học người Anh Howard Carter, người đã bỏ ra 6 năm trời khai quật trong thung lũng này.
Theo giáo sư tiến sĩ Ai Cập học Salima Ikram, trường Đại học Mỹ tại Cairo, mặc dù triều đại của vua Tutankhamun là vô cùng ngắn trong lịch sử Ai Cập, chỉ chưa đầy 10 năm, và mặc dù các triều đại kế tiếp đã tìm cách xóa sổ dấu ấn của ông trong lịch sử nước này, nhưng việc phát hiện ra kho báu của nhà vua trẻ đã khiến cho tên tuổi của ông trở thành bất tử.
Đặc biệt, khi các nhà khảo cổ học người Anh mở chiếc chiếc quan tài bằng vàng của Pharaoh Tutankhamun (còn gọi là Vua Tut) vào năm 1925, họ thấy mình đang đối mặt với đôi mắt mở to trên chiếc mặt nạ xác ướp của vị vua trẻ tuổi và kể từ đó, mặt nạ Vua Tut đã làm say mê cả thế giới.
Với tư thế kiêu hãnh, ánh mắt yên bình và làn da sáng bóng, chiếc mặt nạ đúc bằng vàng đã mang đến một cái nhìn hiếm có về cuộc sống thời Ai Cập cổ đại. Nó toát lên truyền thống, niềm tin và năng lực nghệ thuật của một nền văn hóa rực rỡ đã mất.
Sự tò mò về các vị vua cổ xưa của Ai Cập đã thu hút hàng triệu du khách đến với đất nước này. Kể từ khi phát hiện ngôi mộ của vị vua trẻ tuổi này, thế giới không ngừng đặt câu hỏi, nguyên nhân nào đã dẫn đến cái chết của Tutankhamun 3000 năm trước.
Liên quan đến việc khai quật lăng mộ của vua Tutankhamun, trong một thời gian dài người ta đã tin rằng, lăng mộ này chứa đựng một lời nguyền, rằng : "Thần Chết sẽ đến với kẻ quấy rầy sự bình yên của Nhà vua". Tuy nhiên, ngày nay, các nhà khoa học tin rằng cái gọi là "lời nguyền xác ướp Ai Cập" thực sự là do chất hữu cơ bị phân hủy có thể xâm nhập vào vết thương hở và lây nhiễm bệnh.
Cựu Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập, tiến sĩ Zahi Hawass từng nói với tờ Nhật báo Tin tức Ai Cập cho biết: "Nếu bạn để một xác ướp trong phòng trong 3.000 năm rồi mở ra, bạn sẽ phải nhớ rằng vi trùng vô hình có khả năng phát triển trong môi trường này, có thể ảnh hưởng đến các nhà khảo cổ học hiện đại và dẫn đến cái chết của họ. Vì vậy, những gì tôi đang làm bây giờ là, sau khi tôi phát hiện ra một ngôi mộ mới, tôi để mở nó trong vài giờ để thay thế không khí xấu bằng không khí trong lành".
Dù thế nào đi chăng nữa, nhiều người vẫn tin vào giả thiết lời nguyền, khi trên thực tế, trong vòng vài tháng sau khi mở quan tài của Vua Tut, 6 nhà khảo cổ đã chết, kể cả Huân tước Lord Carnarvon, người tài trợ cho cuộc khai quật.
Tutankhamun luôn là đề tài thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận. Trở thành pharaoh lúc mới 10 tuổi vào năm 1333 trước CN, vị vua trẻ trị vì khoảng 9 năm trước khi qua đời. Ông là người cuối cùng của hoàng gia thuộc triều đại thứ 18 của Kinh đô Mới, một trong những hoàng tộc quyền lực và hùng mạnh nhất Ai Cập cổ đại. Việc phát hiện được ngôi mộ hầu như còn nguyên vẹn, với quách toàn bằng vàng và mặt nạ vàng ròng nặng hơn 10 kg được tô điểm bằng đá quý, trở thành tin tức gây náo động toàn thế giới vào thập niên 1920. Và đến nay, vị vua này tiếp tục khiến giới chuyên gia ngạc nhiên về những bí ẩn chôn theo nấm mồ.
Tin nổi bật
Tin Video