Vụ rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm Liên Xô và sai lầm của giới khoa học Mỹ
Vụ rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm Nga bị chôn giấu hơn một thập kỷ trước khi được phơi bày ra ánh sáng.
Một bệnh nhân với các triệu chứng viêm phổi được đưa tới bệnh viện ở Sverdlovsk - một thành phố khá tách biệt thuộc Liên Xô cũ cách đây 42 năm. Vài ngày sau đó, nhiều ca bệnh tương tự thiệt mạng.
Cảnh sát bí mật thu giữ hồ sơ và yêu cầu những người liên quan giữ im lặng. Các điệp viên Mỹ tìm ra manh mối về một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm nhưng chính quyền địa phương khẳng định các bệnh nhân mắc bệnh than sau khi ăn phải thịt nhiễm khuẩn.
Phải mất hơn 1 thập kỷ sau, sự thật mới được đưa ra ánh sáng.
Ngược trở lại vào tháng 4 và tháng 5/1979, ít nhất 66 người chết sau khi vi khuẩn Bacillus anthracis gây bệnh than rò rỉ từ một phòng thí nghiệm quân sự ở Liên Xô. Nhưng các nhà khoa khoa học hàng đầu Mỹ khi đó bày tỏ tin tưởng vào tuyên bố của Liên Xô khẳng định mầm bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Chỉ sau cuộc điều tra đầy đủ vào những năm 1990, một trong những khoa học từng được Mỹ cử tới Liên Xô điều tra vụ việc mới xác nhận những nghi ngờ trước đó: Sự cố ở thành phố Yekaterinburg của Nga hiện nay là một vụ rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Ngày nay, một số ngôi mộ của các nạn nhân dường như bị bỏ hoang. Tên của họ mờ dần trên các tấm bia mộ trong nghĩa trang, nơi họ được chôn trong quan tài bằng chất khử trùng công nghiệp.
Nhưng câu chuyện về vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của họ và cách Liên Xô che giấu nó tới nay vẫn được nhắc lại khi các giả thiết về nguồn gốc COVID-19 trở thành câu chuyện tranh cãi giữa phương Tây và Trung Quốc.
Vào thời điểm các ca bệnh xuất hiện ở Sverdlovsk, giới chức tình báo Mỹ thu thập được ảnh vệ tinh cho thấy các vật thể giống như xe tải khử khuẩn xung quanh thành phố. Chúng xuất hiện dày đặc ở một cơ sở quân sự bí ẩn được gọi là Tổ hợp 19. Các nhà phân tích CIA đặt giả thiết Liên Xô để rò rỉ một dạng bệnh than được vũ khí hoá từ cơ sở này.
Để làm rõ giả thiết trên, năm 1980, giới chức Mỹ yêu cầu Matthew Meselson, một nhà di truyền học danh tiếng tại trường Harvard đánh giá các bằng chứng thu được.
6 năm sau, ông Meselson - một chuyên gia về chiến tranh sinh học khẳng định lời giải thích của Liên Xô về nguồn gốc của dịch bệnh là hợp lý.
Ông này nói thêm rằng bằng chứng Liên Xô cung cấp nhất quán với giả thiết họ đưa ra.
Tới năm 1992, khi Liên Xô sụp đổ, Tổng thống Boris N. Yelstin thừa nhận "sự phát triển quân sự" là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát bệnh than ở Sverdlovsk.
Raisa Smirnova, khi đó là một công nhân 32 tuổi tại một xưởng gốm cho biết mình có một vài người bạn làm việc trong một khu phức hợp bí ẩn. Họ dùng đặc quyền của mình giúp bà kiếm cận với nguồn cung cam và thịt hộp. Smirnova cũng nghe phong thanh tin đồn về một số công việc bí mật được thực hiện ở cơ sở này.
"Sao tay cô xanh vậy?", một đồng nghiệp của Smirnova hỏi bà vào một buổi sáng tháng 4/1979. Đó là dấu hiệu cho thấy nồng độ hồng cầu trong máu sụt giảm.
Bà được đưa tới một bệnh viện trong tình trạng sốt cao. Smirnova nhớ rằng bản thân ở tại viện một tuần trong tình trạng vô thức.
Tới tháng 5, khoảng 18 đồng nghiệp của Smirnova thiệt mạng. Trước khi Smirnova trở về nhà, các đặc vụ KGB tới gặp bà. Họ mang tới một số tài liệu yêu cầu bà ký và giữ bí mật về các sự kiện trong suốt 25 năm.
Bất chấp những lời giải thích từ chính quyền, nhà dịch tễ học địa phương Viktor Romanenko tin rằng dịch bệnh tấn công thành phố không thể xuất phát từ thực phẩm. Romanenko nhận thấy mô hình và thời gian xuất hiện các ca bệnh cho thấy đường lây bệnh là từ không khí.
Để chứng thực nghi ngờ của mình, Romanenko dành hàng tháng để điều tra. Tuy nhiên, các đặc vụ KGB đã tới văn phòng của ông và lấy đi các hồ sơ y tế.
"Tôi hiểu rằng chúng tôi phải tránh xa giả thiết vũ khí sinh học nhất có thể", Romanenko nhớ lại.
Truyền thông địa phương khi đó cũng phải lo đối đầu với nghi ngờ từ phía Mỹ. Aleksandr Pashkov - một phóng viên của tờ Evening Sverdlovsk tiết lộ phóng viên của New York Times đã điện tới tòa soạn của ông khi dịch bùng phát. Nhưng tổng biên tập của Evening Sverdlovsk yêu cầu toàn bộ tòa soạn ngừng trả lời các ý kiến thắc mắc.
Trong một bộ phim tài liệu năm 1992, Pashkov tìm cách liên hệ với một sỹ quan phản gián nghỉ hưu từng làm việc ở Sverdlovsk vào thời điểm đó. Người này cho biết những lần nghe lén từ đường dây điện thoại của phòng thí nghiệm quân sự ở Sverdlovsk chỉ ra rằng một kỹ thuật viên tại đây đã quên thay bộ lọc.
Không lâu sau đó, Tổng thống Yeltsin thừa nhận đợt dịch bùng phát cuối những năm 70 là do lỗi của quân đội.
Trong những năm 1990, nhóm nghiên cứu của ông Meselson tới thăm Yekaterinburg nhiều lần để ghi lại sự cố rò rỉ. Khi phỏng vấn những người sống sót, họ lần theo tung tích của các nạn nhân, điều tra các ghi chép về thời tiết và phát hiện ra rằng Meselson ban đầu đã sai khi tin vào câu chuyện Liên Xô thêu dệt.
Meselson đã liên lạc với một quan chức Nga để điều tra lại sự bùng phát của dịch bệnh. Câu trả lời mà ông nhận được là "Tại sao lại công khai?".
Meselson tin rằng việc xác định nguồn gốc dịch bệnh là hết quan trọng bởi nếu không xác định nguyên nhân, vấn đề này sẽ tiếp tục xoáy thêm vào căng thẳng giữa Nga và phương Tây.
"Điều tương tự cũng xảy ra với nghiên cứu về nguồn gốc dịch COVID-19. Chừng nào nguồn cơn dịch bệnh chưa được giải đáp, vấn đề này sẽ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc", ông Meselson cho hay.
Dù vậy cho tới hiện tại, các ngờ vực về sự cố ở Sverdlovsk vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Không rõ hoạt động tại Tổ hợp 19, nơi tạo ra bào tử bệnh than là phát triển vũ khí sinh học hay để nghiên cứu vaccine.
Tin nổi bật
Tin Video