Tin tức

Vụ nữ sinh tự tử ở An Giang: Chuyên gia giáo dục, tâm lý, phụ huynh học sinh nói gì?

(VOVTV) - Liên quan đến vụ việc nữ sinh tự tử ở An Giang và để lại bức thư tuyệt mệnh gây xôn xao dư luận, các chuyên gia giáo dục, tâm lý và phụ huynh học sinh đã có những nhìn nhận, đánh giá đằng sau câu chuyện giáo dục, kỷ luật. Thậm chí, nhiều người lên án cách hành xử không đúng mực về sư phạm, đạo đức nhà giáo của giáo viên chủ nhiệm lớp nữ sinh.

Tác giả Linh Trịnh / VOVTV
08/12/2020 12:39

Về việc nữ sinh tự tử ở An Giang, em N.T.N.Y., học sinh lớp 10A4, trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) chia sẻ em bị bạo lực tinh thần, tâm lý đè nén suốt một thời gian dài. Vì bế tắc, không tìm được cách chứng minh mình đúng, nên em tìm đến cái chết.

Vụ việc đang trong quá trình xác minh. Tuy nhiên, những thông tin về cách giáo viên chủ nhiệm, nhà trường phê bình, kỷ luật em khiến không ít nhà giáo, chuyên gia tâm lý và phụ huynh học sinh lên tiếng.

Nếu giáo viên làm đúng, tại sao phải sợ học trò ghi âm?

Theo lời kể của Y., cô chủ nhiệm hay nạt nộ, đập bàn, gắt gỏng mỗi khi nói chuyện với em, khác hẳn với thái độ khi nói chuyện với phụ huynh. Vì vậy, em đã dùng điện thoại ghi âm để cho gia đình nghe. Cô giáo phát hiện, cho rằng đây là lỗi vi phạm vì dùng điện thoại trong giờ học.

TS. Trần Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Giáo dục Đại cương và Nghiệp vụ Sư phạm Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Giáo viên không việc gì phải cấm học sinh quay phim, chụp ảnh, ghi âm thầy cô, vì nếu không làm sai, họ không phải sợ.

"Cấm đoán không phải giải pháp đúng đắn. Giáo viên phải biết cách tương tác để học sinh cảm thấy được yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ, hỗ trợ phát triển", bà Thu Hiền nhấn mạnh.

nữ sinh tự tử ở An Giang

Thư tuyệt mệnh của nữ sinh N.T.N.Y. Ảnh: Gia đình nữ sinh cung cấp

Cùng quan điểm, cô Đào Thị Dung, giáo viên Ngữ văn trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho rằng: "Em N.T.N.Y. có lý do để ghi âm lời quát mắng, đập bàn của giáo viên chủ nhiệm. Em chưa phát tán nội dung ghi âm ra ngoài. Trong khi đó, những nội dung đó đúng thực tế, cô giáo đã có hành động đập bàn, quát tháo em."

Nếu vì không quản lý cảm xúc tốt mà có lời lẽ không hay, bị học sinh ghi lại, giáo viên nên thẳng thắn nhận lỗi, giải thích lý do và đề nghị học sinh xóa đoạn ghi âm đó, viết biên bản, cam kết nếu cần.

Hình phạt phản giáo dục: Nguyên nhân khiến nữ sinh tự tử ở An Giang

Chuyện nữ sinh Y. dùng điện thoại ghi âm giáo viên là sự phản kháng sau một chuỗi ngày dài bị bạo lực tinh thần. Theo bà Nguyễn Thị Quyết (55 tuổi, mẹ của nữ sinh Y. ngụ ấp 2, xã Vĩnh Xương), Y. đã bị uất ức do trường xử lý em vi phạm quy chế trường, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ em không tham học phụ đạo do trường tổ chức có thu phí. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm Huỳnh Thị Thu Huệ "để ý" em mặc áo dài mỏng lộ "nội y" và có lời lẽ khiến nhiều bạn học trong lớp chú ý, khiến em ngượng ngùng.

Bà Quyết thông tin thêm, trước đó Y. và gia đình em được trường THPT Vĩnh Xương và cô giáo chủ nhiệm lớp 10A4 thông tin về việc tổ chức dạy phụ đạo có thu tiền 5 môn, đóng tiền phụ đạo cả năm học khoảng 1,2 triệu đồng/học sinh. Do Y. bị bệnh hen phế quản, bệnh tim, tay phải em bị gãy đang kẹp inox cố định thường xuyên bị cơn đau nhức nên gia đình xin trường cho Y. chỉ học 1 môn tiếng Anh trong số 5 môn phụ đạo. Gia đình cam kết với Hiệu trưởng của trường cuối năm Y. sẽ không xếp loại yếu.

Gia đình Y. cho biết, trong quá trình học tại lớp Y. thường xuyên bị nhắc nhở về vụ "áo dài mỏng" và một số nội dung khác nên tạo tâm lý không tốt cho em, chưa kể đến việc em còn phải đến trường từ sáng sớm, lao động công ích suốt 2 tuần như một hình phạt cho "lỗi lầm" của mình. Trong một buổi nhắc nhở em của cô Huỳnh Thị Thu Huệ (giáo viên chủ nhiệm của Y.), Y. đã dùng điện thoại ghi âm lại cuộc nói chuyện với thái độ rất căng thẳng của giáo viên này với em. Sau đó Y. bị buộc vi phạm sử dụng điện thoại ghi âm trong giờ học.

nữ sinh tự tử ở An Giang

Em Y. vẫn chưa hết hoảng loạn, suy sụp sau vụ việc. Ảnh: Thanh niên

Trong khi đó, hình thức phê bình trước lớp, trường đã bị Bộ GD&ĐT cấm áp dụng với học sinh. Sở GD&ĐT An Giang cũng đánh giá hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Xương "nóng vội trong xử lý vấn đề, đề ra phương án xử lý học sinh chưa phù hợp quy định hiện hành".

TS. Trần Thị Thu Hiền khẳng định quy định không được phép phê bình học sinh trước trường, lớp là rất đúng đắn, nhân văn, đúng hiệu ứng tâm lý con người. Theo bà, không ai muốn bị người khác nói xấu, sỉ nhục mình trước mặt đông người.

Bà phân tích "cảm giác xấu hổ, tự ti hay mặc cảm tội lỗi dễ xảy ra với học sinh bị nêu tên, trách phạt công khai trước tập thể. Đặc biệt ánh nhìn thất vọng, chỉ trích và trở thành tâm điểm chú ý, bàn luận của nhiều người, trong đó có cả bạn bè, thầy cô thân thuộc có thể ám ảnh trẻ trong một thời gian dài".

Cần phải kỷ luật nghiêm khắc các giáo viên có liên quan

Việc trường THPT Vĩnh Xương tổ chức dạy phụ đạo toàn lớp và có thu tiền là dạy thêm, trái quy định của Bộ GD&ĐT. Giáo viên chủ nhiệm không phải người duy nhất sai ở đây. Trường chỉ đạo, tổ chức dạy, các giáo viên thực hiện theo.

Và về các hình phạt mà em Y. phải chịu, nhiều phụ huynh học sinh cũng cho rằng, dù hình phạt đó đủ sức răn đe học sinh đi chăng nữa, nó cũng không được khuyến khích sử dụng, chưa kể đến những trường hợp tạo ra tác dụng ngược, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý học sinh. 

Anh Cao Quang Hiệp, một phụ huynh có con đang học cấp 3 cho biết: "Việc bêu tên học sinh trước toàn trường chính là hành vi nhục mạ nhân phẩm, danh dự của học sinh. Nếu đây là trường hợp của con tôi, chắc chắn tôi sẽ kiện lên công an để từ giáo viên chủ nhiệm lẫn hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Xương phải nhận hình phạt thích đáng. Đặc biệt là cô Thu Huệ chủ nhiệm, đối tượng này cần phải bị sa thải khỏi ngành giáo dục."

"Tôi đề xuất sa thải khỏi ngành những thầy cô liên quan vụ này. Họ gây tổn thương rất lớn, không phải với mỗi trường đó, mà còn cả ngành giáo dục", TS. Trần Thị Thu Hiền đề nghị.

Vụ nữ sinh tự tử ở An Giang: Chuyên gia giáo dục, tâm lý, phụ huynh học sinh nói gì? - Ảnh 3.

Cả xã hội đều lên án hành vi của giáo viên chủ nhiệm và sự ứng xử nóng vội, thiếu sáng suốt của ban giám hiệu trường THPT Vĩnh Xương. Ảnh: Thanh niên

Sở GD&ĐT An Giang đã xử lý kịp thời sự việc này. Nhưng về lâu dài, sở cần tăng cường kiểm tra giám sát việc dạy thêm học thêm trong nhà trường, đặc biệt quan tâm sâu sắc trường vùng sâu vùng xa, nơi có nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc như trên.

Và sau cùng, theo Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh: "Hãy nghĩ đến đứa trẻ vẫn còn trong độ tuổi vị thành niên vừa thoát chết, đang còn đầy hoảng loạn, hoang mang! Hãy tìm hiểu quá trình tích tụ những uất ức của em, phân tích hành vi của em cùng với chuyên gia tâm lý để hiểu sâu sắc vấn đề nằm ở chỗ nào. Mỗi một thầy cô giáo, những nhà quản lý giáo dục và cả cha mẹ thay vì mắng chửi, lên án nhau trên mạng cần phải nhìn lại hiểu biết của mình về tâm sinh lý tuổi mới lớn, rà lại những lỗ hổng về kiến thức, cảm xúc trong giao tiếp với trẻ."


Ý kiến của bạn