Vụ máy bay rơi ở Indonesia và an toàn hàng không trong đại dịch
(VOVTV) - Vụ tai nạn máy bay thảm khốc ngoài vịnh Jakarta ngày 9/1 vừa qua lại làm dấy lên vấn đề an toàn hàng không đối với Indonesia, quốc gia vốn từng bị đánh giá là thị trường hàng không nguy hiểm nhất thế giới, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 hoành hành như hiện nay.
Vấn đề an toàn hàng không Indonesia
Máy bay bay Boeing 737-500 thuộc hãng hàng không Sriwijaya Air mang số hiệu SJ 182 chở 62 hành khách toàn bộ là công dân Indonesia đã mất liên lạc trên chuyến bay từ Jakarta đến Pontianak, đảo Kalimantan chỉ 4 phút sau khi cất cánh.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải Indonesia vẫn chưa xác định được nguyên nhân vụ tai nạn máy bay. Tuy nhiên, trước khi cất cánh, máy bay đã bị hoãn 30 phút do thời tiết xấu. 2571 nhân sự, 81 tàu, 12 trực thăng và 32 thiết bị hỗ trợ được huy động để tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Indonesia khẳng định, mặc dù sản xuất từ năm 1994, song máy bay Boeing 737-500 này được bảo dưỡng theo quy định và vẫn đang ở trong tình trạng tốt. Trong khi đó, hãng hàng không Sriwijaya Air là hãng hàng không quốc gia Indonesia với tiêu chuẩn an toàn loại 1 và trong 18 năm hoạt động, Sriwijaya Air chưa có báo cáo tai nạn nào gây thương vong.
Máy bay Boeing 737-500 gặp nạn vào thời điểm đầu năm mới khiến dư luận nhớ đến các sự kiện tương tự tại Indonesia. Trong vòng 2 thập kỷ qua, đã có 3 máy bay thương mại của Indonesia lao xuống biển. Năm 2007, máy bay Boeing 737-400 của hãng hàng không Adam Air chở 102 hành khách và phi hành đoàn rơi xuống vùng biển Sulawesi. Năm 2014, máy bay Airbus A320-216 của hãng hàng không Air Asia chở 155 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn rơi trên vùng biển Java. Năm 2018, máy bay Lion Air mang số hiệu JT 610 rơi ở vùng biển Tây Java.
Theo dữ liệu của mạng lưới an toàn hàng không, trong vòng 1 thập kỷ qua, 697 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn hàng không ở Indonesia, bao gồm cả tại nạn máy bay quân sự và máy bay thương mại, khiến nước này trở thành thị trường hàng không nguy hiểm nhất thế giới – trên cả Nga, Iran và Pakistan.
Từ năm 2007 đến 2018, Liên minh châu Âu đã cấm các hãng hàng không Indonesia sau một loạt vụ tai nạn và các vấn đề về giám sát và bảo dưỡng. Từ năm 2007 đến năm 2016, Hoa Kỳ đã hạ cấp an toàn hàng không của Indonesia xuống loại 2, có nghĩa là hệ thống quản lý của nước này không đầy đủ. Thành tích an toàn hàng không của Indonesia đã được cải thiện trong những năm gần đây, nhận được đánh giá tích cực từ cơ quan hàng không Liên hợp quốc trong năm 2018.
Là một quốc gia quần đảo gồm hàng nghìn hòn đảo, việc đi lại của người dân Indonesia phụ thuộc rất nhiều vào đường hàng không. An toàn bay của Indonesia là thách thức mà các hãng hàng không Indonesia phải đối mặt khi cố gắng đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch bằng đường hàng không ngày một tăng. Việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng và các tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu là một bài toán khó mà Indonesia cần vượt qua.
Vụ tai nạn xảy ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Thêm nữa, vụ tai nạn xảy ra trong bối cảnh nhiều sự cố với máy bay Boeing 737 trước đó, đồng thời đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu khiến nhiều người lo ngại cho ngành hàng không và du lịch ở Indonesia sẽ khó phục hồi trong thời gian tới.
Chiếc Boeing 737-500, 27 năm tuổi, cũ hơn nhiều hơn nhiều so với mẫu 737 MAX của Boeing đã rơi ngoài khơi Jakarta vào cuối năm 2018, khiến toàn bộ 189 người thiệt mạng. Một ngày trước khi Boeing 737 500 của hãng hàng không Sriwịjaya Indonesia gặp nạn, Bộ tư pháp Hoa Kỳ đã phạt Boeing 2,5 tỷ USD liên quan đến hai vụ tai nạn máy bay ở Indonesia và Ethiopia khiến 346 người thiệt mạng, dẫn đến việc máy bay Boeing 737 MAX phải ngừng hoạt động. Tập đoàn Boeing cho biết hãng này đang liên lạc với hãng hàng không Sriwijaya Air và sẵn sàng hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân vụ rơi máy bay.
Thêm vào đó, vụ tai nạn máy bay Indonesia vừa qua diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. Riêng tại Indonesia tính đến thời điểm này đã có hơn 820.000 ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 24.000 người đã tử vong, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào ngành du lịch mũi nhọn của Indonesia, trong đó ngành công nghiệp hàng không cũng phải hứng chịu những tổn thất nặng nề do chính sách đình chỉ đường bay. Hàng chục ngàn nhân viên của các hãng hàng bị sa thải và không được trả lương.
Trước đại dịch, Indonesia có 5.000 đến 6.000 chuyến bay mỗi ngày. Đến tháng 12 năm 2020 còn 1.500 đến 2.000 chuyến. Trong khi đó, lưu lượng hàng không qua Indonesia trước đại dịch được là 300-400 chuyến bay mỗi ngày, nay chỉ có 50-75 chuyến. Đặc biệt sau khi biến thể mới của virus Sars Cov2 xuất hiện Indonesia đã đóng cửa biên giới với tất cả các quốc gia.
Trong bối cảnh bấp bênh này, các hãng hàng không đang tìm mọi cách để thu hút khách bay nội địa, trong đó có việc bán vé giá rẻ. Tuy nhiên sau vụ việc rơi máy bay lần này đã khiến cho lòng tin của công chúng đối với ngành hàng không Indonesia tiếp tục suy giảm. Sẽ rất khó để Indonesia tiếp tục thúc đẩy ngành hàng không nội địa, bù đắp cho những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra trong một năm qua và cả trong thời gian sắp tới.
Sau vụ việc rơi máy bay Sriwijaya, giới chức Indonesia yêu cầu Bộ giao thông vận tải đánh giá toàn diện các hãng hàng không nước này. Mặc dù bị thiệt hại do đại dịch Covid-19, và đang tìm cách thúc đẩy hàng không nội địa, song giới chức cho rằng, Indonesia không thể bỏ qua vấn đề an toàn cho hành khách, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay.
Tin nổi bật
Tin Video