Vụ khởi tố ông Nguyễn Đức Chung: Hà Nội dùng Redoxy 3C như thế nào?
Từ năm 2016 đến 2020, Công ty Thoát nước Hà Nội ký hợp đồng mua hơn 400 tấn Redoxy 3C (137 tỷ đồng) để làm sạch ao hồ. Tuy nhiên, quá trình mua bán loại hóa chất này luôn bị nghi vấn không minh bạch.
Chiều 17/3, Bộ Công an cho biết, đã khởi tố ông Nguyễn Đức Chung - cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội với cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo Công ty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C của Công ty Watch water- CHLB Đức qua Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic để xử lý, duy trì chất lượng hồ trên địa bàn trái quy định, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Khi còn làm Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung từng nhiều lần cho biết, Redoxy 3C là chế phẩm được Công ty Watch water- CHLB Đức sản xuất "độc quyền" cho Hà Nội để làm sạch các ao hồ.
Ông Chung cũng so sánh bài toán kinh tế khi sử dụng chế phẩm này để làm sạch ô nhiễm ao hồ trên địa bàn Hà Nội hiệu quả hơn hẳn so với cách làm trước đây. Cụ thể, ao hồ xử lý ô nhiễm lần đầu hết 6.000 đồng/m3, duy trì chưa đến 2.000 đồng/m3. Trong khi đó, Hà Nội đang mất hơn 80.000 đồng để xử lý m3 nước rỉ rác.
Chế phẩm Redoxy 3C được Thành phố Hà Nội triển khai xử lý ô nhiễm ao hồ trên địa bàn từ năm 2016. Cụ thể, vào tháng 8/2016, UBND Thành phố Hà Nội giao Công ty Thoát nước Hà Nội thử nghiệm trực tiếp tại 3 hồ Giáp Bát, Hố Mẻ và Ba Mẫu.
Đồng thời, thành lập tổ công tác giám sát hoạt động thử nghiệm xử lý ô nhiễm tại 3 hồ này. Sau quá trình thử nghiệm, Công ty Thoát nước cùng các nhà khoa học đánh giá chế phẩm Redoxy 3C cho kết quả khả quan, trong đó loại chế phẩm này sẽ cung cấp oxy cho nước nhanh, khiến các chỉ số pH kiềm giảm, thông số thủy lý hóa không vượt ngưỡng.
Tháng 8/2016, Công ty Thoát nước Hà Nội ký hợp đồng với với Công ty Arktic mua 3,24 tấn chế phẩm Redoxy 3C (giá 326.000đ/kg vận chuyển theo đường hàng không). Đến 10/2016, Công ty Thoát nước Hà Nội có văn bản kiến nghị thành phố cho phép triển khai nhân rộng xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn bằng chế phẩm Redoxy 3C và được đồng ý. Từ đó, hàng loạt ao hồ trong nội thành của Hà Nội như hồ Hố Mẻ, Văn Chương, Hoàng Cầu, hồ Văn (Quốc Tử Giám) được xử lý ô nhiễm bằng loại hóa chất có màu trắng này.
Vào đầu tháng 10/2016, khi hàng trăm tấn cá chết trắng hồ Tây, Thành phố Hà Nội cũng đã sử dụng chế phẩm Redoxy 3C để xử lý tình trạng ô nhiễm mặt nước. Loại chế phẩm này cũng được Hà Nội đem ra thử nghiệm xử lý tình trạng ô nhiễm sông Tô Lịch. Một đoạn sông này được quây kín bằng rào sắt để theo dõi sự biến đổi chất lượng nước sau khi được phun chế phẩm Redoxy 3C.
Kết quả ban đầu cho thấy, nước sông Tô Lịch được làm sạch bằng công nghệ của châu Âu có chuyển biến tích cực, đỡ ô nhiễm và bốc mùi khó chịu. Người dân sống trong khu vực kỳ vọng sông Tô Lịch sẽ được "hồi sinh" bằng công nghệ xử lý mới.
Quá trình Hà Nội dùng chế phẩm Redoxy 3C xử lý ô nhiễm ao hồ, về tính hiệu quả đã được nhiều nhà khoa học ủng hộ, tuy nhiên luôn bị dư luận nghi vấn về quy trình mua bán loại hóa chất này không minh bạch.
Đến tháng 5/2019, ông Nguyễn Đức Chung giao Thanh tra Thành phố Hà Nội thanh tra toàn diện quá trình mua và đánh giá hiệu quả sử dụng đối với chế phẩm này.
Tháng 3/2020, Thanh tra Thành phố Hà Nội công khai toàn văn kết luận thanh tra về chế phẩm làm sạch hồ Redoxy 3C. Theo đó, từ năm 2016 đến đầu 2019, Công ty Thoát nước Hà Nội ký hợp đồng với Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic mua chế phẩm Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm nước hồ với khối lượng là hơn 403 tấn, giá trị hơn 137,6 tỉ đồng.
Số chế phẩm mua đã sử dụng xử lý sự cố cá chết ở hồ Tây, xử lý nước thải bãi bùn khu C Yên Sở, xử lý nước rỉ rác tại khu Xuân Sơn, thí nghiệm tại bãi rác Nam Sơn…
Trong 6 tháng qua, để phục vụ công tác điều tra, Công ty Thoát nước Hà Nội đã dừng sử dụng Redoxy 3C làm sạch các ao hồ trên địa bàn thành phố. Tính từ năm 2016 đến giữa năm 2019, công ty này đã dùng chế phẩm Redoxy 3C xử lý ô nhiễm cho 87/125 hồ trong nội thành của Thành phố Hà Nội. Chất lượng nước tất cả các hồ xử lý bằng chế phẩm Redoxy 3C đều đạt quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tin nổi bật
Tin Video