Tin tức

Vũ khí có thể làm thay đổi cục diện chiến sự tại Ukraine

Hàng loạt tên lửa chống tăng được chuyển đến Ukraine có thể làm thay đổi cục diện cuộc chiến, gây sức ép với Nga trong việc triển khai chiến dịch ở khu vực đô thị.

16/03/2022 16:18

Theo một số nhà phân tích quân sự, các tên lửa chống tăng thế hệ mới nhất được chuyển đến Ukraine trong những tuần gần đây có số lượng lớn, mang đến cho binh sĩ Ukraine kho vũ khí chưa từng có trong một cuộc chiến hiện đại quy mô lớn.

Anh thông báo đã gửi 3.615 tên lửa chống tăng hạng nhẹ tầm ngắn thế hệ mới (NLAW) cho Ukraine. Đức cũng chuyển 1.000 vũ khí chống tăng từ kho vũ khí của nước này, trong khi Na Uy chuyển 2.000 và Thụy Điển chuyển 5.000 vũ khí. Mỹ cũng chuyển các hệ thống tên lửa Javelin cho Ukraine, song chưa rõ số lượng cụ thể.

Vũ khí có thể làm thay đổi cục diện chiến sự tại Ukraine - Ảnh 1.

Các thành viên của Lực lượng phòng vệ lãnh thổ Ukraine học cách sử dụng tên lửa chống tăng NLAW tại Kiev, Ukraine ngày 9/3 (Ảnh: Reuters)

Quan chức Nga gần đây thừa nhận, chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine diễn ra chậm hơn so với dự kiến. Giới phân tích nhận định, sự phản kháng của lực lượng Ukraine và những tính toán sai lệch của Nga là nguyên nhân khiến chiến dịch quân sự không tiến triển theo kỳ vọng của Moscow. Ngoài ra, các vũ khí chống tăng thế hệ mới nhất được đưa vào Ukraine cũng được xem là một yếu tố dẫn tới sự đình trệ trong đà tiến công của Nga.

Theo Pavel Felgenhauer, chuyên gia về quân sự Nga tại Jamestown Foundation - một tổ chức tư vấn của Mỹ, ngay cả những xe tăng hiện đại nhất của Nga cũng là mục tiêu "dễ bị tổn thương" trước tên lửa Javelin. Ông nói thêm rằng, Nga hiện chưa sản xuất vũ khí chống tăng thế hệ thứ 3.

Cả Javelin và NLAW đều tấn công xe tăng từ trên cao, nơi lớp giáp của khí tài này yếu nhất. Tên lửa này còn cho phép người sử dụng di chuyển ra xa sau khi bắn, từ đó làm giảm nguy cơ bị phản công khi vị trí của họ bị lộ.

Oryx, một dự án chuyên theo dõi tổn thất trong cuộc xung đột, cho đến nay đã thống kê ít nhất 6 xe tăng T-90 tiên tiến của Nga trong số 76 xe tăng bị quân đội Ukraine phá hủy.

Theo thống kê của Oryx, Nga đã mất 214 xe tăng do bị tấn công, thu giữ hoặc bị bỏ lại và 1.292 phương tiện quân sự.

So với số liệu trên, Ukraine công bố tổn thất lớn hơn đối với xe tăng Nga, trong khi Bộ Quốc phòng Nga không công bố số liệu xe tăng nước này bị phá hủy. Theo Oryx, Ukraine đã mất 65 xe tăng, 22 trong số đó bị phá hủy.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 14/3 cho biết, Nga đã mất hàng trăm xe tăng cùng hàng nghìn phương tiện và thiết bị quân sự khác. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov hôm 14/3 tuyên bố quân đội Nga đã phá hủy gần 4.000 mục tiêu quân sự trong chiến dịch ở Ukraine, bao gồm 1.267 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác.

Ngoài vũ khí do nước ngoài viện trợ, quân đội Ukraine cũng sở hữu vũ khí chống tăng từ thời Liên Xô và gần đây là các loại vũ khí chống tăng được sản xuất trong nước. Mặc dù kém tinh vi hơn Javelin và NLAW, song chúng vẫn hiệu quả trong việc tấn công hầu hết các loại xe bọc thép khác.

Tướng David Petraeus, cựu lãnh đạo Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và từng là chỉ huy của lực lượng Mỹ ở Iraq và Afghanistan, cho rằng Nga đang phải đối mặt lực lượng Ukraine với quyết tâm chiến đấu rất cao, có năng lực và khả năng sáng tạo đáng kinh ngạc, có lợi thế tác chiến trên chính địa hình lãnh thổ quen thuộc của mình.

Ông Petraeus đã chỉ ra một số điểm yếu của quân đội Nga khi triển khai chiến dịch tại Ukraine, như lên kế hoạch không chính xác, đánh giá tình báo quá lạc quan về cuộc xung đột, đánh giá thấp lực lượng Ukraine, bảo trì và hậu cần không đầy đủ, thiết bị quân sự không đủ mạnh, phụ thuộc vào lính nghĩa vụ và không có khả năng tiến hành chiến tranh mạng hiệu quả.

Tướng Mỹ về hưu hoài nghi khả năng của Nga trong việc đánh chiếm, chứ chưa nói đến kiểm soát thủ đô Kiev của Ukraine và một số thành phố lớn khác. Ông Petraeus cho rằng việc Nga tiếp tục chiến thuật tác chiến đô thị sẽ có lợi cho Ukraine.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn