Vấn đề và bình luận

Vụ HS ném dép vào giáo viên: Cần xử lý đúng pháp luật, không bênh học sinh hư

Sẽ là rất nguy hiểm nếu như học sinh coi thường thầy cô giáo, tấn công lại thầy cô ngay tại lớp học. Nếu hiện tượng này diễn ra liên tục, kéo dài thì sẽ hình thành nên ý thức coi thường pháp luật, coi thường danh dự nhân phẩm của người khác.

06/12/2023 17:56

Những ngày qua, clip ghi lại việc học sinh Trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang) chốt cửa, “quây” cô giáo để ném dép, văng tục chửi bới, hay clip chính giáo viên này cũng cầm dép đuổi học sinh quanh lớp đang khiến dư luận không khỏi bức xúc, lo ngại về vấn đề giáo dục đạo đức trong nhà trường, mối quan hệ giữa thầy và trò đang dần bị “méo mó”.

Ts Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng: “Cảnh hỗn loạn trong lớp cho thấy sự việc đã đi quá giới hạn của tình thầy trò, của văn hóa ứng xử học đường.

Vụ HS ném dép vào giáo viên: Cần xử lý đúng pháp luật, không bênh học sinh hư- Ảnh 1.

Hình ảnh học sinh ném dép vào mặt cô giáo (Ảnh cắt từ clip)

Sự việc này cho thấy "thầy không ra thầy", "trò không ra trò". Rõ ràng mối quan hệ ứng xử giữa cô và trò, không khác gì "ngoài đường, ngoài chợ", không đúng với môi trường học đường có sự tôn sư trọng đạo.

Trong các clip lan truyền trên mạng xã hội, có một clip thể hiện là các học sinh ném giấy, dép vào người giáo viên, vây quanh giáo viên la hét, nói bậy dẫn đến giáo viên ngất xỉu... Clip này cho thấy giáo viên gần như bất lực trước sự hỗn hào của rất nhiều học sinh trong lớp. Ngoài ra cũng có clip thể hiện giáo viên đuổi các học sinh chạy quanh lớp và cũng ném dép vào học sinh... Hành động này rất khó hiểu và không thể chấp nhận được trong môi trường học đường.

Rõ ràng hành vi ứng xử của giáo viên và học sinh trong các clip này là không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, kỷ luật trong hoạt động giáo dục, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường cũng như đối với hoạt động giáo dục nói chung. Hành động này cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý sức khỏe của giáo viên và đến vấn đề phát triển hình thành nhân cách của học sinh là trẻ em trong môi trường này”.

Vụ HS ném dép vào giáo viên: Cần xử lý đúng pháp luật, không bênh học sinh hư- Ảnh 2.

Ở một clip khác lại xuất hiện hình ảnh cô giáo cầm dép đuổi học sinh trong lớp. (Ảnh cắt từ clip)

TS Đặng Văn Cường cho rằng, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ hoạt động dạy và học của cơ sở giáo dục này được thực hiện như thế nào, đặc biệt là đối với môn học mà giáo viên này đang đảm nhiệm,  xem xét tổng thể sự việc, đánh giá sự việc một cách khách quan từ đó có hướng giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật.

Để đánh giá tổng thể sự việc cần phải có thông tin đầy đủ, đa chiều, khách quan, cần làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến mối quan hệ giữa giáo viên và các học sinh trong lớp từ đó mới có thể có kết luận chính xác về sự việc và có hướng xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

“Rõ ràng hành vi ứng xử giữa giáo viên và học sinh trong các clip này là rất bất thường, rất hiếm khi xảy ra trong môi trường học đường ở cấp THCS. Để xảy ra sự việc lộn xộn như vậy có phần trách nhiệm của giáo viên, lãnh đạo nhà trường và của phụ huynh học sinh. Ngoài ra cũng cần xem xét xử lý kỷ luật đối với các học sinh đã vượt quá chuẩn mực đạo đức khi có những lời lẽ xúc phạm, hành vi vô lễ đối với giáo viên.

Về nguyên tắc là bên nào có lỗi thì phải xử lý bên đó, lỗi của giáo viên đến đâu sẽ phải chịu trách nhiệm đến đó. Còn về phía học sinh vô lễ, có thái độ không đúng mực với giáo viên thì cũng cần xem xét xử lý kỷ luật. Cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ giáo viên này giảng dạy từ bao giờ, quá trình giảng dạy có hoàn thành nhiệm vụ hay không, hiệu quả trong công tác giảng dạy và việc duy trì kỷ luật giảng đường được thực hiện như thế nào.

Nguyên nhân nào dẫn đến hàng loạt học sinh vô lễ, thiếu tôn trọng giáo viên như vậy? Phản ứng của giáo viên khi học sinh ném giấy vào người, ném dép vào mặt như vậy đã phù hợp chưa?

Giáo viên này cũng cần phải giải thích vì sao lại cầm dép đuổi học sinh chạy quanh lớp như clip trên mạng xã hội? Đây là những hành vi rất bất thường và không được phép diễn ra trong môi trường học đường”, chuyên gia lo ngại.

Theo TS Đặng Văn Cường, những thông tin qua các clip cũng như trên không gian mạng chỉ là một phần sự việc. Để có cái nhìn toàn thể, đánh giá toàn diện sự việc, cơ quan chức năng cần vào cuộc và có kết luận chính thức, có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

"Bạo lực ngược": Giáo viên là nạn nhân trước mắt, nhưng học sinh là nạn nhân lâu dài

Chuyên gia cũng lo ngại rằng, sẽ là rất nguy hiểm nếu như học sinh coi thường thầy cô giáo, tấn công lại thầy cô ngay tại lớp học. Nếu hiện tượng này diễn ra liên tục, kéo dài thì sẽ hình thành nên ý thức coi thường pháp luật, coi thường danh dự nhân phẩm của người khác. Những đứa trẻ này lớn lên trong môi trường hoàn cảnh và thói quen ứng xử như vậy hoàn toàn có thể gây ra thương tích cho người khác, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác và có thể trở thành tội phạm bất kỳ khi nào.

“Thực tiễn cho thấy những đứa trẻ sống trong môi trường bạo lực, chứng kiến cảnh bạo lực, thường xuyên chứng kiến cảnh người khác bị coi thường, bị đánh đập hành hạ hoặc tiếp xúc với các game bạo lực sẽ có suy nghĩ, nhận thức thiếu chuẩn mực, ảnh hưởng đến sự phát triển hình thành nhân cách và rất dễ thực hiện các hành vi lệch chuẩn, xâm phạm đến thân thể của người khác.

Bởi vậy, cần đấu tranh loại bỏ bạo lực học đường, đặc biệt là bạo lực xảy ra giữa thầy cô giáo và học sinh. Khi để xảy ra "bạo lực ngược" học sinh bạo hành đối với giáo viên thì hậu quả sẽ rất khôn lường, giáo viên trở thành nạn nhân trước mắt còn học sinh sẽ trở thành nạn nhân lâu dài, hành vi đó sẽ tác động tiêu cực đến nhân cách, đạo đức của học sinh và biến những đứa trẻ thành những con người hư hỏng”, TS Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng cho rằng, với học sinh THCS, các em đang trong giai đoạn đang thay đổi rất lớn về tâm sinh lý, ở độ tuổi này thì việc giáo dục cần phải rất kiên trì, nhẫn lại. Thầy cô cần có phương pháp phù hợp thì mới có thể tiếp cận, truyền tải kiến thức, kỹ năng cho các em và đạt hiệu quả trong công tác giáo dục. Với độ tuổi này, nếu giáo viên "cứng" quá hoặc "mềm" quá trong quá trình giao tiếp trên lớp thì đều không mang lại hiệu quả tích cực.

Khi học sinh có thái độ vô lễ, giáo viên không có phản ứng phù hợp thì các em sẽ có hành vi tiếp theo và có thể trở nên hỗn loạn. Khi có hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức của học sinh, nếu giáo viên quán triệt ngay, có những lời nói thái độ phù hợp, áp dụng hình thức xử lý kỷ luật phù hợp sẽ ngăn chặn được hành vi vi phạm, giảm bớt được những hậu quả xấu có thể xảy ra tiếp theo.

"Với các học sinh THCS vi phạm kỷ luật thì cần phải áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật phù hợp với quy định của pháp luật, không bênh vực những học sinh hư. Tuy nhiên, nếu giáo viên và nhà trường không áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật mà pháp luật cho phép, lại sử dụng bạo lực để đáp lại hành vi vô lễ thì rõ ràng lớp học sẽ trở thành "cái chợ" mà ở đó thầy không ra thầy, trò không ra trò, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường, chất lượng giáo dục và ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ em, có thể làm tác động tiêu cực đến quá trình phát triển hình thành nhân cách của trẻ em", TS Cường nhấn mạnh.

Chuyên gia cũng lưu ý rằng, trong vụ việc này cần đánh giá sự việc một cách khách quan, toàn diện, có thông tin đầy đủ chính xác từ phía cơ quan chức năng mới có thể kết luận chính xác và có hướng xử lý phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong môi trường học đường, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, văn minh đảm bảo nơi làm việc thuận lợi, có văn hoá cho giáo viên và môi trường học tập văn minh hướng thiện đối với học sinh.

Ý kiến của bạn