Vụ gối dầm cao su metro 1: Mời Hiệp hội cầu đường Nhật Bản tư vấn
(VOVTV) - Liên quan đến sự việc lệch gối dầm cao su tuyến metro số 1, Sở GTVT TPHCM cho biết sự việc này ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ, cùng với các nguyên nhân khác. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn đang tham khảo ý kiến của Hội đồng nghiệm thu nhà nước để có hướng xử lý.
Cụ thể, tại buổi trao đổi thông tin với báo chí quý 1/2021 mới đây, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho rằng, sự việc này ít nhiều cũng ảnh hưởng tới tiến độ, bên cạnh nhiều nguyên nhân khác. Tuy nhiên, tuyến metro số 1 vẫn được Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) kiểm soát tốt tiến độ toàn dự án.
Ông Phan Công Bằng cho biết thêm, hiện Hội đồng nghiệm thu nhà nước đang có lộ trình theo dõi và kiểm tra tổng thể. Chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cũng chủ động theo dõi, quan trắc, tham khảo ý kiến của Hội đồng nghiệm thu nhà nước về hướng xử lý tiếp theo; chủ động kiểm soát tình hình. Ngoài ra, tư vấn chung dự án NJPT cũng đang mời Hiệp hội Cầu đường Nhật Bản sang tư vấn.
Liên quan đến sự cố trên, mới đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cũng đã kiến nghị UBND TP chấp thuận bổ sung gói thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn độc lập thí nghiệm đối chứng và kiểm định chất lượng toàn bộ các gối cầu đã lắp đặt và các đoạn dầm bị hư hỏng theo ý kiến của Sở GTVT.
Về lâu dài, sau khi có kết quả cuối cùng về thí nghiệm đối chứng và kiểm định chất lượng công trình gồm chất lượng toàn bộ các gối cầu đã được lắp đặt và các đoạn dầm bị hư hỏng được cấp có thẩm quyền chấp thuận, Ban Quản lý đường sắt đô thị yêu cầu Tổng thầu EPC (là liên danh Sumitomo - CIENCO 6) thay thế các gối cầu và các đoạn dầm không đạt chất lượng (nếu có) theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị, cho đến nay, tổng thầu EPC của gói thầu số 2 vẫn tiếp tục chậm trễ trong phối hợp nhằm tìm nguyên nhân, giải pháp giải quyết sự việc. Do sự việc xảy ra thuộc phạm vi công trình đang thi công và chưa được bàn giao cho chủ đầu tư nên ban cho rằng, Tổng thầu EPC hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các chậm trễ nêu trên và chất lượng công trình.
Được biết, đến nay đã có 4 đoạn cầu cạn xảy ra sự cố là VD14, VD12, VD9 và VD11.
Tin nổi bật
Tin Video