Tin tức

Vụ cưỡng hiếp tập thể gây rúng động ở Ấn Độ

Người dân Ấn Độ đang biểu tình ngày thứ 4 liên tiếp để phản đối vụ một bé gái 9 tuổi ở thủ đô Delhi bị cưỡng hiếp tập thể, giết hại và bị thiêu xác.

06/08/2021 08:56

Cha mẹ của nạn nhân buộc tội một tu sĩ đạo Hindu và ba người khác tấn công cô bé, khi cô đi lấy nước uống trong lò hỏa táng.

Mẹ của nạn nhân cho biết bà đã bị đe dọa, bị đóng chặt cổng không cho ra ngoài khi phản đối việc hỏa táng chính con gái ruột của mình.

Cảnh sát đã lập hồ sơ về vụ hiếp dâm tập thể, giết người và bắt giữ những người đàn ông nói trên, theo BBC.

Thi thể bị hỏa táng, không thể khám nghiệm

Cha mẹ của nạn nhân là người Dalit, tức tầng lớp bị coi là thấp kém nhất trong xã hội còn đặt nặng tính giai cấp ở Ấn Độ.

Họ kiếm sống bằng cách ăn xin trước cổng ngôi đền Hồi giáo Sufi nằm ngay đối diện với nhà hỏa táng ở khu vực Nangal của Delhi. Cô bé này là đứa con duy nhất của họ.

Nói với BBC, mẹ của nạn nhân cho biết vào tối 1/8, bà đã nhờ con đi lấy nước uống từ lò hỏa táng, chỉ cách khu ổ chuột của họ vài mét.

"Hơn một tiếng đồng hồ không thấy con về, tôi đi tìm thì thấy con bé nằm dưới đất, môi tím tái, máu mũi chảy ròng ròng, tay và cánh tay có vết bầm tím, còn quần áo bị ướt", bà kể lại.

Vụ cưỡng hiếp tập thể gây rúng động ở Ấn Độ - Ảnh 1.

Người biểu tình bên ngoài lò hỏa táng ở Delhi, đòi tử hình bị cáo vụ bé gái 9 tuổi bị cưỡng hiếp tập thể, sát hại và bị hỏa táng. Ảnh: BBC

Mẹ của nạn nhân cho biết vị tu sĩ và ba người đàn ông kia khuyên bà không nên gọi cảnh sát, vì cảnh sát "sẽ đòi khám nghiệm tử thi, ăn cắp nội tạng của cô bé và bán chúng đi".

Theo lời cáo buộc của người mẹ này, bốn người đàn ông đã đóng cổng để không cho bà ra ngoài, đe dọa, thậm chí còn đề nghị mua chuộc bà.

Cha của nạn nhân cho biết vào thời điểm ông cùng với khoảng 150 dân làng đến lò hỏa táng, thi thể của con gái họ đã bị thiêu rụi gần hết.

Sau đó, dân làng gọi cảnh sát và đổ nước vào giàn thiêu, nhưng chỉ có thể lấy được chân của nạn nhân. Điều này có nghĩa là việc khám nghiệm tử thi để xác minh hành vi hiếp dâm sẽ không thể thực hiện được.

BBC dẫn lời một sĩ quan cảnh sát cấp cao cho biết dựa vào lời khai của cha mẹ nạn nhân, cơ quan chức năng đã tiến hành lập hồ sơ về vụ án hiếp dâm tập thể, giết người và bắt ép hỏa táng.

Vấn nạn dai dẳng ở Ấn Độ

Vụ việc nói trên gợi nhớ người dân Ấn Độ về cáo buộc tương tự vào năm 2020 ở thị trấn Hathras ở bang Uttar Pradesh.

Khi đó, bốn người đàn ông thuộc tầng lớp thượng lưu cũng bị buộc tội hiếp dâm tập thể và giết hại một thiếu nữ Dalit. Vụ việc khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ khi cảnh sát cưỡng chế hỏa táng thi thể cô gái, mặc cho gia đình nạn nhân kiên quyết phản đối.

Cho đến nay, những người thuộc giai cấp Dalit vẫn nằm trong số những công dân bị áp bức nhất của Ấn Độ.

Phần lớn trong số 200 triệu người Dalit là người nghèo. Dù luật pháp Ấn Độ có quy định bảo vệ họ, những người Dalit vẫn tiếp tục bị giới thượng lưu và chính quyền phân biệt đối xử ngày này qua ngày khác.

Đáng chú ý là phụ nữ Dalit phải đối mặt với ba gánh nặng là nghèo đói, phân biệt giới tính và phân biệt đẳng cấp.

Vụ cưỡng hiếp tập thể gây rúng động ở Ấn Độ - Ảnh 2.

Người dân cầm biểu ngữ đòi quyền lợi cho người Dalit trong cuộc biểu tình ở Mumbai hồi tháng 10/2020, sau vụ một thiếu nữ Dalit bị cưỡng hiếp tập thể và sát hại ở thị trấn Hathras. Ảnh: Reuters

Hôm 4/8, hàng trăm người biểu tình đã tụ tập bên ngoài khu hỏa táng Nangal, yêu cầu mức án tử hình đối với bị cáo.

Họ cũng kêu gọi đình chỉ một số quan chức cảnh sát địa phương, cáo buộc họ quấy rối gia đình nạn nhân.

Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal và lãnh đạo cấp cao của đảng đối lập Congress, ông Rahul Gandhi, đã đến thăm gia đình nạn nhân và đề nghị giúp họ đòi công lý.

Trong vài ngày qua, các nhà lãnh đạo cộng đồng Dalit cũng tham gia biểu tình. Trên mạng xã hội, người dân đăng tải và chia sẻ hàng chục bài viết thể hiện sự phẫn nộ trước vụ việc.

Một số người gọi đây là tội ác giai cấp, do vị tu sĩ là người Bà La Môn thuộc giai cấp thượng lưu.

Kể từ vụ cưỡng hiếp tập thể và giết hại một phụ nữ trẻ trên xe bus ở Delhi năm 2012, hiếp dâm và bạo lực tình dục trở thành vấn nạn nhức nhối ở Ấn Độ.

Vụ tấn công năm 2012 đó làm dấy lên làn sóng biểu tình, phản đối, khiến chính phủ buộc phải thay đổi luật đối với tội phạm hiếp dâm. Tuy nhiên, các hành vi tội ác nhằm vào phụ nữ và trẻ em ở nước này vẫn không có dấu hiệu giảm bớt.

BBC dẫn số liệu thống kê tội phạm gần đây cho biết cứ 4 nạn nhân bị hiếp dâm ở Ấn Độ thì có một người là trẻ em.

Ý kiến của bạn