Vụ cô gái trẻ bị làm nhục, sát hại dã man trước mắt 37 người được em trai làm phim sau 50 năm vẫn gây phẫn nộ
Câu chuyện về vụ sát hại Kitty Genovese đã từng khiến dư luận nước Mỹ sục sôi bởi sự bàng quan của những người chứng kiến.
Năm 1964, một vụ án mạng đã làm dư luận nước Mỹ sục sôi khi một cô gái bị đâm dã man dưới phố trước sự chứng kiến của nhiều người, thế nhưng lại không ai ngăn cản hay can thiệp.
Cái chết của Kitty Genovese 28 tuổi không chỉ phản ánh sự tàn độc của con người mà còn nói lên sự thiếu chuyên nghiệp của cảnh sát Mỹ thời đó. Sự bàng quan của những người xung quanh còn được phân tích thành một triệu chứng tâm lý đi vào sách vở.
Poster phim
Năm 2015, người em trai của Kitty là William Genovese đã kết hợp cùng nhà làm phim James D. Solomon để sản xuất bộ phim tài liệu Nhân Chứng (tựa gốc: The Witness), vén màn những sự thật về cái chết của Kitty cũng như những người chứng kiến cô bị sát hại. Bộ phim sau khi ra mắt đã nhận được lời tán tụng của giới chuyên môn và thậm chí còn được lựa chọn vào danh sách ứng cử Oscar.
Kẻ sát nhân bệnh hoạn rình rập lúc nửa đêm
Lúc 2h30 sáng ngày 13/3/1964, cô gái trẻ Kitty Genovese rời quán bar nơi cô làm việc và lái xe về nhà. Trong lúc chờ đợi đèn đỏ, cô đã lọt vào tầm ngắm của kẻ sát nhân Winston Moseley đang ngồi trong xe hơi gần đó. Lúc này người phụ nữ không hề ngờ rằng chỉ trong vòng một tiếng nữa, cô sẽ bị sát hại.
Hình ảnh của Kitty Genovese khi còn sống
Kitty đỗ xe ở cách nhà khoảng 30m vào hồi 3h15 sáng, sau đó đi bộ trên phố để về căn hộ của mình. Cùng lúc đó, Winston cũng ra khỏi xe và bám sát lấy cô, tay cầm một con dao đi săn.
Khi cảm thấy bị theo đuôi, Kitty đã cố gắng chạy về nhà nhưng bị Winston đuổi kịp. Hắn đâm 2 nhát dao chí mạng vào lưng của cô gái. Khi Kitty kêu thảm thiết: “Chúa ơi, hắn đâm tôi! Cứu tôi với!”. Cùng lúc đó, một hàng xóm của cô là Robert Mozer đã hét lên: “Để cô ấy yên!”. Winston sau đó bỏ chạy, trong khi Kitty cố gắng lết đến cửa nhà.
Hình ảnh phác thảo lại hiện trường của vụ án
Bị thương nặng và cửa nhà thì khóa, Kitty khó khăn lắm mới vào được đến hiên nhà trước khi gục ngã. Khi Winston trở lại và tìm thấy cô, hắn đã dùng dao đâm thêm nhiều nhát nữa vào người cô gái, sau đó hãm hiếp và cướp lấy 49 đô trong người Kitty. Winston nhanh chóng bỏ chạy sau khi thực hiện tội ác tàn nhẫn của mình.
Chân cầu thang của tòa nhà, nơi Kitty bị sát hại dưới sự chứng kiến của hàng xóm
Tất cả đều diễn ra dưới sự chứng kiến của một số người, thế nhưng không một ai thực sự dám can thiệp. Hàng xóm Karl Ross đã thấy sự việc, nhưng quá sợ hãi nên không dám can thiệp.
Anh ta cũng không gọi cảnh sát ngay, thay vào đó gọi cho bạn gái để hỏi nên làm gì. Chỉ đến khi Winston rời đi, Kitty mới được tìm thấy bởi hàng xóm Sophia Farrar. Đến lúc 4h15 sáng, Kitty (khi đó vẫn còn sống) mới được đưa lên xe cấp cứu tới bệnh viện, nhưng cô đã không qua khỏi.
Cái kết của tên giết người ái tử thi
Winston Moseley vào thời điểm sát hại Kitty đã kết hôn và có 3 đứa con, không tiền án tiền sự. Hắn bị bắt giữ 6 ngày sau khi nhẫn tâm giết hại Kitty do một vụ trộm bị phanh phui, nhưng sau đó phải thú nhận tội ác tày trời của mình.
Theo lời khai của hắn, mục đích duy nhất cho hành động này chính là do hắn “muốn giết phụ nữ”, bởi lẽ sẽ “dễ dàng hơn và họ khó có thể chống cự”. Hắn kể đã thức dậy vào lúc 2h sáng khi vợ còn say ngủ và lái xe quanh khu vực quận Queens để tìm kiếm nạn nhân.
Tên sát nhân Winston Moseley
Đồng thời, Winston cũng đã thú nhận sát hại, hiếp dâm 2 người phụ nữ khác. Ngoài ra, hắn còn thực hiện khoảng 30 đến 40 vụ trộm cắp. Các chuyên gia sau khi tiến hành kiểm tra, phân tích đã chỉ ra rằng Winston mắc chứng ái tử thi - khi một người có mong muốn tình dục với xác chết.
Winston bị kết án tử hình vì tội ác của mình trong sự hò reo của những người dự khán. Tuy nhiên ít lâu sau, hắn được xác nhận là bị tâm thần phân liệt, và chính vì vậy bản án bị rút xuống còn tù chung thân.
Vào thời điểm bộ phim tài liệu Nhân Chứng được sản xuất là năm 2015, Winston vẫn còn sống. Tuy nhiên hắn đã qua đời trong tù vào năm 2016 ở tuổi 81, sau 52 năm bị giam giữ.
Hình ảnh của Winston Moseley khi già
Hiệu ứng bàng quan và sự thật chấn động dư luận được lấp liếm bởi tờ báo uy tín thế giới
Án mạng tàn nhẫn của Kitty Genovese đã khiến dư luận phẫn nộ, nhất là sau bài báo của trang New York Times đăng tải năm 1964, trong đó cho rằng có tận 37 người đứng nhìn mà không một ai làm gì để cứu cô. Điều này khiến nhiều người ngỡ ngàng trước sự vô cảm của những kẻ qua đường ngày hôm đó.
Thông tin sai lệch được đưa bởi tờ New York Times
Nhà tâm lý học xã hội Bibb Latané và John Darley đã thực hiện nhiều thí nghiệm xã hội để rút ra kết luận về “Hiệu ứng Người ngoài cuộc” hay “Hội chứng Genovese” để miêu tả tình trạng khi càng nhiều người có mặt thì càng ít người sẵn sàng đứng ra giúp người bị hại.
Bởi lẽ khi ở trong đám đông, sẽ ít người chịu nhận trách nhiệm về mình vì cho rằng sẽ có người khác hành động. Hiệu ứng tâm lý này đã được phân tích trong sách tâm lý của Mỹ trong nhiều thập kỷ, khiến vụ án đáng phẫn nộ của Kitty Genovese sống mãi.
Tranh vẽ vụ án Kitty Genovese
Tuy nhiên mãi đến năm 2007 sự thật mới được hé lộ bởi tờ American Psychologist. Theo trang này, không có bằng chứng nào cho thấy có 37 nhân chứng ở hiện trường vụ án, cũng như thông tin rằng họ không làm gì là sai.
Thực chất, đã có một vài người nỗ lực gọi cảnh sát nhưng quá khó khăn để liên hệ (tổng đài 911 phải 4 năm sau mới xuất hiện - và vụ án này là một trong những lý do khiến nó tồn tại). Trang New York Times đã nhận lỗi về mình, tuy nhiên sự thật rằng những người chứng kiến vụ án không trực tiếp can thiệp vẫn không hề thay đổi.
Nhân chứng là bộ phim đầy nhân văn về Kitty Genovese xấu số
Án mạng của Kitty Genovese trở thành một trong những vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Với William Genovese, cái chết của người chị mà ông ngưỡng mộ khiến ông đau đáu mãi và phải thực hiện bộ phim Nhân Chứng khi đã thu thập đủ thông tin, chứng cứ.
Vài hình ảnh từ phim
Thay vì cố gắng “lột trần sự thật”, bộ phim được những người em trai của Kitty dựng lên với mục đích cao cả nhất là khắc họa lại con người của cô trước thảm họa. Kitty trong phim không phải là một vụ án ly kỳ chấn động, cũng không phải là một hiện tượng tâm lý trầm trọng đáng quan ngại.
Thay vào đó, Nhân Chứng để khán giả làm quen với một cô gái Kitty rất nhân tính, rất người, rất đáng xót xa.
Tin nổi bật
Tin Video