Tin tức

Vụ chuyến bay giải cứu: Kiến nghị điều tra làm rõ trách nhiệm Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Phần luận tội, VKS cho rằng, qua hành vi của Phạm Trung Kiên, cần kiến nghị, điều tra làm rõ trách nhiệm của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên trong giai đoạn 2 vụ án.

17/07/2023 18:53

Trưa 17/7, đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội công bố mức án đề nghị đối với 54 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu. Trong số này, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị đề nghị mức án cao nhất là tử hình.

Đại diện VKS đánh giá hành vi của Phạm Trung Kiên đã phạm vào tội Nhận hối lộ; cần phải xử lý nghiêm để răn đe các bị cáo khác, để giáo dục, phòng ngừa chung.

Đại diện VKS nhận định, với vai trò là thư ký, được Bộ Y tế giao nhiệm vụ giúp việc cho Thứ trưởng, song lợi dụng việc nhận giấy tờ cấp phép các chuyến bay, Phạm Trung Kiên đã "làm khó", buộc các doanh nghiệp phải chi hối lộ.

“Bị cáo đã nhận hối lộ với thủ đoạn trắng trợn nhất, sau khi vụ án bị phát giác, bị cáo đem trả một phần cho doanh nghiệp và yêu cầu họ nói việc đưa nhận tiền là giao dịch vay mượn nhằm che giấu cơ quan chức năng. Do đó, hành vi của Kiên cần xử lý bằng bản án nghiêm khắc để răn đe", Viện kiểm sát nhận xét.

Vụ chuyến bay giải cứu: Kiến nghị điều tra làm rõ trách nhiệm Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Trung Kiên tại toà.

Đại diện VKS cáo buộc, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Văn phòng Chính phủ, tổ công tác của một số Bộ (Ngoại giao, Y tế, Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng) và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.

Thời điểm đó, Bộ Y tế phân công một thứ trưởng làm nhiệm vụ xem xét, duyệt ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng khi những nơi này xin ý kiến về chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo và xin cho khách lẻ được về nước. Các cơ quan chức năng thông qua Phạm Trung Kiên để trình thứ trưởng Bộ Y tế xem xét, ký duyệt văn bản trả lời.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng một chuyến bay. Đối với chuyến bay combo, Kiên ra giá với doanh nghiệp phải "chung chi" từ 500 nghìn đồng đến một triệu đồng/khách. Đối với khách lẻ, Kiên ra giá từ 7-15 triệu đồng/khách.

Quá trình xét hỏi, bị cáo Kiên khai báo quanh có về việc sử dụng số tiền nhận hối lộ. Kiên cũng khẳng định tất cả mức "chi" hối lộ đều do doanh nghiệp chủ động đưa ra.

Trong vụ án, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên bị cáo buộc là người nhận số tiền hối lộ nhiều nhất với 253 lần, tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng.

Theo VKS, trong vụ án chuyến bay giải cứu, Thứ trưởng Tuyên là người ký công văn chấp thuận với Bộ Ngoại giao duyệt cấp phép các chuyến bay. Đại diện VKS kiến nghị cơ quan chức năng tiếp tục điều tra trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trong giai đoạn hai của vụ án.

Ý kiến của bạn