Vụ cháy nhà khiến 4 người chết: Trách nhiệm thuộc về ai?
Luật sư nhận định khi điều tra vụ hỏa hoạn, cảnh sát sẽ xác định nguyên nhân gây cháy và xem xét trách nhiệm người liên quan việc xây dựng chuồng cọp bịt kín tầng tum.
Sau khi tìm kiếm nạn nhân vụ hỏa hoạn trên phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội), cơ quan chức năng cho biết việc tầng tum quây kín là nguyên nhân khiến 4 người trong gia đình không thể thoát thân.
Từ thông tin này, nhiều người đặt câu hỏi về việc chính quyền địa phương có phải chịu trách nhiệm khi để người dân xây nhà "chuồng cọp" không đảm bảo an toàn PCCC và dẫn tới sự việc đau lòng như rạng sáng 4/4?
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) cho biết vụ hỏa hoạn để lại thiệt hại lớn, khiến nhiều người thương cảm. Lực lượng chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm pháp lý của những người liên quan vụ việc.
"Nếu xác định ngôi nhà được xây dựng, cải tạo, sửa chữa trái phép thì người xây dựng, cải tạo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo Điều 15 Nghị định 139/2017 của Chính phủ về hành vi vi phạm quy định về trật tự xây dựng", ông Cường đánh giá.
Từ đó, luật sư nhận định chủ nhà sẽ là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Tuy nhiên, nạn nhân đã mất nên việc truy cứu trách nhiệm sẽ không được đặt ra.
Tiếp đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc xây dựng, cải tạo, sửa chữa tầng tum có được chính quyền địa phương phê duyệt không. Nếu xác định có cán bộ cấp sai phép cho việc xây dựng, cơi nới, sửa chữa, họ sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc chịu trách nhiệm trước pháp luật vì sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý.
Chung quan điểm, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) nhận định chính quyền sở tại sẽ phải chịu trách nhiệm nếu cấp sai phép cho việc cơi nới, sửa chữa. Tuy nhiên, ông Giáp đánh giá trường hợp này ít khi xảy ra.
Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa cho biết cơ quan điều tra cần làm rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn. Nếu vụ việc xuất phát từ lỗi chủ quan của cá nhân (hút thuốc, sử dụng bếp hay thiết bị điện sai cách), người đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tội Vô ý làm chết người.
Tuy nhiên, do cả 4 người trong gia đình đã thiệt mạng, việc truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra.
Khoảng 0h ngày 4/4, hỏa hoạn xảy ra tại nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội, khiến 4 người trong một gia đình thiệt mạng. Đến khoảng 3h40 cùng ngày, lực lượng cứu hỏa dập tắt được đám cháy.
Đại diện Cục Cảnh sát PCCC & CNCH (Bộ Công an) cho biết nơi xảy ra hỏa hoạn là nhà ở kết hợp kinh doanh dạng nhà ống, tích trữ nhiều hàng hóa và chỉ có một lối thoát nạn. Trước đây, loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh không thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 136 của Chính phủ có hiệu lực ngày 10/1, trách nhiệm quản lý và giám sát các cơ sở dạng này thuộc về UBND cấp phường, xã.