Vụ bé trai lọt trụ bê tông: Đồng Tháp tìm phương án cứu hộ tối ưu nhất
(VOVTV) - Liên quan đến vụ cháu bé 10 tuổi ở Đồng Tháp lọt xuống trụ bê tông và được xác định đã tử vong vào tối 4/1, đến nay lực lượng cứu hộ vẫn đang làm việc để đưa trụ bê tông lên. Trở ngại lớn nhất hiện nay là địa chất phức tạp, bám dính cao, các chuyên gia đang tích cực khảo sát, bàn thảo để thống nhất phương án cứu hộ tối ưu nhất.
Từ trưa đến 17h00 chiều ngày 5/1, tất cả các lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang túc trực xuyên suốt tại hiện trường để chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng, điều kiện cần thiết để triển khai ngay khi các chuyên gia thống nhất phương án cứu hộ.
Trao đổi với phóng viên vào chiều ngày 5/1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, các lực lượng vẫn đang có mặt xuyên suốt tại hiện trường đảm bảo mặt bằng an toàn và các biện pháp thi công. Tuy nhiên, biện pháp cứu hộ vẫn chưa hoàn tất vì liên quan đến kỹ thuật cũng như các phương án đưa ra làm cũng bị trở ngại.
Vì vậy, các chuyên gia được mời đến hiện trường và các nhóm kỹ thuật cũng đã khảo sát, đánh giá hiện trạng để chọn giải pháp tốt nhất để triển khai trên tinh thần bằng mọi cách để hoàn thành công tác cứu hộ.
Theo ông Đoàn Tấn Bửu, việc thi công trên tầng đất sâu, đặc dính và trải qua nhiều lần khoan guồng xoắn, bơm thủy lực nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu nên phải thay đổi phương pháp nên công tác cứu hộ hiện nay đang chậm hơn dự kiến ban đầu. Ngoài ra, trong chiều nay có đoàn chuyên gia của Nhật Bản đã đến hiện trường và đưa ra phương án, kỹ thuật cứu hộ cũng như phối hợp các nhóm chuyên gia cùng thảo luận để chọn phương án tối ưu, phù hợp với điều kiện, năng lực và thiết bị thi công.
Hiện nay, các thiết bị tại hiện trường vẫn đáp ứng được yêu cầu nhưng địa phương vẫn tiếp tục huy động thêm thiết bị để dự phòng cho những phương án cần đến những thiết bị chuyên dụng.
"Phương án phải có sự thống nhất, chặt chẽ để khi làm đạt được kết quả, đảm bảo an toàn cho các đội hình thi công ở đây cho nên phải chậm vì điều kiện thiết bị, địa chất. Phương án cứu hộ em bé phải thảo luận, thống nhất hiện nay cũng đang tiếp tục. Tại hiện trường các đội thi công vẫn đang duy trì công tác bảo vệ, vẫn đảm bảo được công tác quản lý mặt bằng và chuẩn bị mặt bằng cho nhưng phương án thi công tiếp theo.
Tại vì đây là mặt bằng ở trên đồng ruộng đường đi khó khăn, vận chuyển thiết bị tới cũng khó mà trong khoảng thời gian phải sự dụng nhiều loại thiết bị luân phiên với nhau thì việc di dời cũng gặp trở ngại, mất thời gian", ông Bửu nói.
Trước đó, như đã thông tin, vào trưa 31/12/2022, em T.L.H.N (10 tuổi) cùng một số người bạn vào công trình cầu Rọc Sen nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp để nhặt phế liệu. Lúc đi qua công trình đang thi công, không may bé N. lọt xuống cọc bê tông rỗng với độ sâu khoảng 35m.