Tin tức

Vụ bánh mì không phải là lương thực: Cần bảo vệ người yếu thế

(VOVTV) - Tối 19/7, lãnh đạo UBND thành phố Nha Trang cho biết đã yêu cầu 1 Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa phải giải trình, kiểm điểm trong quá trình xử lý nam công nhân ra ngoài mua bánh mì. Tối cùng ngày, nam công nhân này cho biết đã bị chủ doanh nghiệp cho nghỉ việc. Dư luận đề nghị tỉnh Khánh Hòa cần bảo vệ người yếu thế khi dịch dã đang căng thẳng.

Tác giả Thái Bình / VOV miền Trung
20/07/2021 07:24

Anh Trần Văn Em, 25 tuổi, ở xã Diên Hòa, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa là người trong clip nam công nhân đi mua bánh mì nhưng bị Tổ công tác liên ngành của UBND phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang xử lý. 

Chiều ngày 18/7, khi đang làm việc cho Công ty TNHH Cơ khí và Xây dựng An Đại Thành, một nhà thầu phụ tại Dự án Vega City, anh Trần Văn Em xin người quản lý đi ra ngoài mua bánh mì và nước uống vì đói bụng. Mua xong bánh mì và nước uống, trên đường về công trường, anh này bị lực lượng chức năng của phường Vĩnh Hòa dừng xe kiểm tra, xử lý vi phạm vì cho rằng ra đường khi không cần thiết, đồng thời anh bị thu giữ chứng minh nhân dân, đưa xe về UBND phường. 

Vụ bánh mì không phải là lương thực: Cần bảo vệ người yếu thế - Ảnh 1.

Anh Trần Văn Em mua bánh mì đã bị tạm giữ xe và giấy tờ xe

Ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa đã quay clip lại để làm bằng chứng. Anh Trần Văn Em xin lại chứng minh nhân dân để về công trình làm việc nhưng không được giải quyết. Ông Thọ hỏi kỹ tên nhà thầu, chủ đầu tư dự án và nói sẽ cho anh Em nghỉ việc. Ông Thọ còn dọa sẽ gửi thông tin, hình ảnh cho lãnh đạo của dự án vì đã vi phạm Chỉ thị 16 về việc giãn cách xã hội.

Anh Trần Văn Em cho biết anh làm thợ hàn nhôm, tiền công khoảng 200.000 đồng/ngày. Số tiền công ít ỏi, ngoài trả tiền nhà trọ, sinh hoạt, anh còn phải gửi về quê để phụ giúp gia đình, nuôi 2 em nhỏ. Bố anh đi chăn bò thuê, còn mẹ buôn bán nhỏ ở chợ nên hoàn cảnh rất khó khăn. 

Sáng ngày 19/7, sau khi làm việc tại UBND phường Vĩnh Hòa trở lại công trường, anh Trần Văn Em được ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc TNHH Cơ khí và Xây dựng An Đại Thành, thông báo cho nghỉ việc 1 tháng, tháng sau nếu có việc sẽ gọi đi làm lại. 

Vụ bánh mì không phải là lương thực: Cần bảo vệ người yếu thế - Ảnh 2.

Nam thanh niên đi mua bánh mì và nước đã bị chặn lại

Anh Trần Văn Em thắc mắc khi những người khác vẫn đang đi làm bình thường, còn riêng mình thì bị nghỉ việc: “Cho em nghỉ không biết vì lý do gì, cho nghỉ tầm 1 tháng, có gì nếu mà có công trình khác thì kêu em vào làm. Em đang làm cái đó giữa chừng, đang tháo dỡ nữa. Em gặp tình trạng đó, ông sợ liên lụy đến công ty, xấu mặt đến công ty hay sao đấy”?

Sau khi 2 clip do ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang tự quay lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người dân rất bức xúc vì những lời lẽ phản cảm của vị Phó Chủ tịch UBND phường này. 

Cụ thể, ông Phó Chủ tịch phường lớn tiếng nói rằng, bánh mì không phải là mặt hàng thiết yếu, xưng hô khiếm nhã… Cuối giờ chiều ngày 19/7, UBND thành phố Nha Trang đã họp khẩn để xử lý vụ việc. 

Ông Lưu Thành Nhân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang cho biết, trước đây, ông Thọ là cán bộ phòng Quản lý đô thị mới được tăng cường về phường Vĩnh Hòa 1 năm nay. Lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu phường Vĩnh Hòa chấn chỉnh ông Trần Lê Hữu Thọ vì đã có thái độ, hành vi, lời nói không đúng mực với người dân. 

Vụ bánh mì không phải là lương thực: Cần bảo vệ người yếu thế - Ảnh 3.

Chiếc xe máy đã bị cán bộ phường tạm giữ

Lãnh đạo thành phố Nha Trang cũng chỉ đạo Chủ tịch UBND các phường trong thành phố kiểm tra, nhắc nhở các lực lượng chức năng giúp đỡ, hướng dẫn người dân chấp hành tốt Chỉ thị 16. Quá trình thực hiện cần linh hoạt, ứng xử có văn hóa, tăng cường tuyên truyền vận động, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm để người dân cùng đồng lòng chống dịch Covid-19. Đối với cá nhân ông Trần Lê Hữu Thọ bên cạnh việc giải trình, kiểm điểm, phân công công tác khác còn phải xin lỗi người công nhân vừa bị xử lý vì đi mua bánh mỳ và nước uống.

Ông Lưu Thành Nhân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang cho biết: “Do nhận thức nên có hành động không có trúng, phát ngôn không chuẩn nên nó sai. Sai thì phải xin lỗi. Các phường, xã khác cũng phải rút kinh nghiệm việc đó. Phải xác định được, nhận thức được nội dung của Chỉ thị 16 để làm cho đúng. Ứng xử phải có văn hóa. Vì còn nhiều việc khác chứ không phải riêng kiểm tra, xử lý đâu”.

Chiều ngày 19/7, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu lãnh đạo thành phố Nha Trang chỉ đạo các chốt kiểm soát và tổ lưu động thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm cuộc sống người dân vùng dịch; kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh theo đúng quy định.

Về việc anh Trần Văn Em bị cho nghỉ việc, Lãnh đạo thành phố Nha Trang cho biết sẽ tìm hiểu cụ thể vấn đề này. Từ đó, sẽ có hướng giúp đỡ người yếu thế vượt qua những khó khăn lúc này; đồng thời xử nghiêm những cá nhân sai phạm.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn