Tin tức

Vụ án Sagri: Cựu giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị giám đốc thẩm

(VOVTV) - Hội đồng xét xử TAND Cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo kêu oan, tuyên y án sơ thẩm 6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” đối với bị cáo Trần Trọng Tuấn.

Tác giả Tỷ Huỳnh / VOV TPHCM
15/08/2022 18:11

Sau bản án phúc thẩm của Tòa án Nhân dân (TAND) Cấp cao tại TP.HCM tuyên y án sơ thẩm 6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, bị cáo Trần Trọng Tuấn, cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đã có đơn đề nghị Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm.

Trần Trọng Tuấn là một trong những bị cáo của vụ án xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) – doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Trong đơn đề nghị xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, bản án của Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM tuyên đối với ông “có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật”.

Vụ án Sagri: Cựu giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị giám đốc thẩm - Ảnh 1.

Bị cáo Trần Trọng Tuấn tại phiên tòa phúc thẩm hồi tháng 6/2022

Bị cáo Trần Trọng Tuấn nêu, việc chuyển nhượng dự án phát triển nhà ở tại Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9 cũ (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM) giữa Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) và Tổng công ty Cổ phần Phong Phú không phải đấu giá. Bởi theo ông Tuấn, dự án trên do Sagri làm chủ đầu tư, góp vốn với Tổng công ty Phong Phú để thực hiện. Do đó, khi tái cơ cấu Sagri phải thực hiện phương án cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư vào dự án này (bao gồm giá trị quyền sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật).

Cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, việc chuyển nhượng toàn bộ số vốn mà Sagri đã đầu tư vào dự án này là chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư ra ngoài doanh nghiệp theo hình thức góp vốn thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh, không hình thành pháp nhân mới; không phải là chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn, nên không cần phải đấu giá.

Trong đơn, ông Tuấn cũng trình bày kêu oan nhiều vấn đề như: không được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại Sagri nên không thể là chủ thể của tội này; kết luận giám định ngày 27/3/2020 kết luận "việc chuyển nhượng không tiến hành đấu giá là không tuân thủ theo quy định tại khoản 1 điều 29 và khoản 5 điều 38 nghị định số 91/2015" không có giá trị pháp lý, không thể dùng làm căn cứ giải quyết vụ án vì giám định viên đã thừa nhận các nội dung kết luận giám định này là trái với quy định của pháp luật.

Cũng với những lập luận như trên, tại phiên xử phúc thẩm vào giữa tháng 6/2022, Hội đồng xét xử của TAND Cấp cao tại TP.HCM nhận định: Đã là doanh nghiệp nhà nước (Công ty cổ phần hay Công ty TNHH một thành viên, hai thành viên trở lên) khi chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp thì đều phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Chủ tọa phiên tòa nhận định, với vai trò Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, bị cáo Trần Trọng Tuấn buộc phải biết rõ việc chuyển nhượng dự án trên cần tiến hành thẩm định giá, đấu giá công khai, minh bạch. Tuy nhiên, bị cáo Tuấn đã cố ý hiểu sai quy định của pháp luật, ký tờ trình tham mưu UBND TP.HCM chấp thuận việc chuyển nhượng dự án trái pháp luật.

Hội đồng xét xử TAND Cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo kêu oan, tuyên y án sơ thẩm 6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” đối với bị cáo Trần Trọng Tuấn.

Ý kiến của bạn