Tin tức

Vụ án Hoàng Cung: Y án sơ thẩm, buộc bị đơn phải trả hơn 510 tỷ cho chủ nợ

(VOVTV) - Chiều 16/3, HĐXX Phúc thẩm TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyên: Không chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh và kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản sơ thẩm, buộc Công ty CP Khách sạn Hoàng Cung phải trả khoản nợ là hơn 510 tỷ đồng cho nguyên đơn là cá nhân mua nợ xấu của ngân hàng.

Tác giả Phi Long / VOV
18/03/2022 10:40

Án sơ thẩm: Cá nhân có quyền mua nợ xấu của tổ chức tín dụng

Sau hai lần hoãn xử, sáng ngày 8/4/2021, TAND TP Huế đã đưa vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng về việc mua bán nợ xấu giữa nguyên đơn Nguyễn Thị Định với bị đơn là Công ty cổ phần Khách sạn Hoàng Cung (Công ty Hoàng Cung) ra xét xử.

Sau 5 ngày nghị án, chiều ngày 13/4, Thẩm phán - Chủ tọa Hoàng Quang Bình công bố bản án sơ thẩm.

Theo nội dung bản án, từ năm 2003 đến 2011 Công ty Hoàng Cung đã vay tiền của 3 ngân hàng, gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thừa Thiên Huế (VCB Huế), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thừa Thiên Huế (Vietinbank Huế) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Thừa Thiên Huế (Agribank Huế) để xây khách sạn, sau thời gian đã mắc nợ và không có khả năng trả được nên phải thế chấp khối tài sản khách sạn là Hoàng Cung và 1 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tại số 8, đường Lương Thế Vinh, TP Huế.

Vụ án Hoàng Cung: Y án sơ thẩm, buộc bị đơn phải trả hơn 510 tỷ cho chủ nợ - Ảnh 1.

Tại phiên xét xử phúc thẩm, phía bị đơn là Công ty Hoàng Cung (Công ty Hoàng Cung) do ông Nguyễn Xuân Đức - Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Cung làm đại diện tiếp tục đề nghị bác toàn bộ Bản án sơ thẩm do TAND TP Huế tuyên ngày 13/4/2021

Sau nhiều năm Công ty Hoàng Cung không thanh toán được tiền gốc và lãi theo hợp đồng tín dụng đã cam kết, buộc các ngân hàng phải xin bán đấu giá khoản nợ xấu này theo quy định của pháp luật để cơ cấu lại nợ.

Bà Nguyễn Thị Định sau khi tham gia đấu giá và thắng khối "nợ xấu" khách sạn Hoàng Cung từ các ngân hàng ở phiên đấu giá (gồm 4 người tham gia đấu giá, hình thức đấu giá công khai) đã trả đủ cho các ngân hàng với số tiền gần 205 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm nêu rõ: Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định:

Đối với yêu cầu đề nghị tạm đình chỉ vụ án của bị đơn: HĐXX thấy rằng, ngày 24/02/2021 Công ty Hoàng Cung gửi đơn trình báo đến Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, để làm rõ việc mua bán khoản nợ.

Ngày 2/3/2021 TANDTP Huế đã nhận được văn bản trả lời của Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế là hiện nay chưa khởi tố vụ án theo đơn trình báo Công ty Hoàng Cung, đồng thời không yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ để điều tra.

Nội dung trình báo của Công ty Hoàng Cung đã được TAND TP Huế thụ lý yêu cầu phản tố, nên không thuộc trường hợp phải tạm đình chỉ vụ án theo điểm d khoản 1 Điều 214 Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS) và hướng dẫn tại Điều 22 Nghị quyết số 05/2012/NQQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Vụ án Hoàng Cung: Y án sơ thẩm, buộc bị đơn phải trả hơn 510 tỷ cho chủ nợ - Ảnh 2.

Sau khi nghị án, HĐXX đã trở lại việc hỏi và tranh luận, yêu cầu Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, nhưng Kiểm sát viên không phát biểu, nên HĐXX tiến hành xét xử theo thủ tục chung

Đối với các đề nghị của Kiểm sát viên, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 1 Điều 259 Bộ luật TTDS, tạm ngừng phiên tòa, đợi kết quả trả lời của Công an, HĐXX thấy rằng, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn số 143/ PC03-Đ1, ngày 02/3/2021 và công văn số 374/PC03-Đ1, ngày 13/4/2021 trả lời cho TAND TP Huế, nên đề nghị của Kiểm sát viên không thuộc trường hợp phải tạm ngừng phiên tòa theo điểm c khoản 1 Điều 259 Bộ luật TTDS.

Sau khi nghị án, HĐXX đã trở lại việc hỏi và tranh luận, yêu cầu kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, nhưng kiểm sát viên không phát biểu, nên HĐXX tiến hành xét xử theo thủ tục chung.

Về nội dung, theo yêu cầu phản tố của bị đơn, HĐXX nhận thấy: Tại thời điểm các ngân hàng đưa ra bán nợ là ngày 12/02/2018, văn bản chính thức cho việc mua bán nợ là Thông tư 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc Hội về việc thí điểm xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng.

Tại khoản 1 Điều 17 Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội quy định, trường hợp nghị quyết không có quy định thì áp dụng quy định của pháp luật hiện hành, do Nghị quyết 42/2017/QH14 không có quy định tổ chức tín dụng bán nợ cho cá nhân, nên phải áp dụng khoản 3, khoản 4 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng có quyền bán tài khoản nợ cho bà Nguyễn Thị Định.

Đối với trình tự thủ tục bán đấu giá tài khoản, ngày 12/2/2018, khoản nợ này đã được đưa ra bán đấu giá tài sản, có 4 tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá, trong đó có bà Nguyễn Thị Định, đây là cuộc đấu giá công khai, biên bản có đầy đủ chữ ký của những người tham gia. Hiện nay người có tài sản đấu giá là ngân hàng, người đấu giá là bà Nguyễn Thị Định và tổ chức đấu giá tài sản là Công ty cổ phần đấu giá Nam Việt không có ai yêu cầu hủy bỏ kết quả đấu giá.

Theo quy định tại Điều 72 Luật đấu giá tài sản năm 2016, Công ty Hoàng Cung không có quyền yêu cầu hủy kết quả đấu giá, đồng thời bà Nguyễn Thị Định trúng đấu giá không gây thiệt hại cho Công ty Hoàng Cung, chỉ là chuyển giao chủ nợ giữa các ngân hàng sang bà Định, không làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước vì theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội thì giá bán có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với gốc nợ của khoản nợ.

Do các hợp đồng giữa ngân hàng và bị đơn là phù hợp nên bà Định có quyền yêu cầu Công ty Hoàng Cung phải trả nợ gốc và lãi. Tòa bác toàn bộ yêu cầu phản tố của Công ty Hoàng Cung và tuyên buộc: Công ty Hoàng Cung phải trả cho bà Định tổng số tiền hơn 510 tỷ đồng. Nếu không trả được thì dùng tài sản thế chấp là khối tài sản Khá ch sạn Hoàng Cung, đường Hùng Vương, TP Huế và sổ đỏ ngôi nhà đường Lương Thế Vinh, TP Huế của ông Nguyễn Xuân Đức, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Cung. Và nếu khối tài sản này khi định giá trả nợ không đủ thì phải tiếp tục trả nợ bằng tiền.

Công ty Hoàng Cung phải trả án phí là hơn 618 triệu đồng và 3 triệu đồng do phản tố bất thành. Công ty Hoàng Cung vẫn phải tiếp tục trả lãi khối nợ trên từ 14/4/2021 cho đến khi thi hành xong bản án.

Án phúc thẩm: Bác kháng nghị của Viện kiểm sát, y án sơ thẩm

Sau khi phải hoãn phiên xét xử lần thứ nhất, ngày 14/3/2022, đã diễn ra phiên xét xử phúc thẩm vụ mua bán nợ xấu Hoàng Cung của TAND tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau 2 ngày nghị án, HĐXX phúc thẩm của TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố bản án phúc thẩm vào chiều 16/3.

Tại phiên xét xử phúc thẩm, phía bị đơn là Công ty Hoàng Cung (Công ty Hoàng Cung) do ông Nguyễn Xuân Đức-Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Cung làm đại diện tiếp tục đề nghị bác toàn bộ Bản án sơ thẩm do TAND TP Huế tuyên ngày 13/4/2021.

Vụ án Hoàng Cung: Y án sơ thẩm, buộc bị đơn phải trả hơn 510 tỷ cho chủ nợ - Ảnh 3.

Sau khi phải hoãn phiên xét xử lần thứ nhất, ngày 14/3/2022, đã diễn ra phiên xét xử phúc thẩm vụ mua bán nợ xấu Hoàng Cung của TAND tỉnh Thừa Thiên Huế

Kiểm sát viên của VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng “đồng quan điểm” với Công ty Hoàng Cung, đề nghị hủy án sơ thẩm. Nhưng vẫn với lý do vi phạm tố tụng từng được Kiểm sát viên VKSND TP Huế phát biểu tại phiên sơ thẩm để đề nghị tạm ngưng phiên tòa và đã được Bản án sơ thẩm xem xét, kết luận: không chấp nhận.

HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xử bác toàn bộ ý kiến của phía bị đơn vì không có chứng cứ, đồng thời không chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế.

HĐXX tuyên bố, giữ nguyên bản án sơ thẩm ngày 13/4/2021 của TAND thành phố Huế xử, buộc Công ty Hoàng Cung phải trả tổng cộng hơn 510 tỷ đồng cho nguyên đơn theo nội dung bản án sơ thẩm đã tuyên.

Ý kiến của bạn