Tin tức

VOV là thành viên tích cực của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia

Sáng 19/4, tại Hà Nội,  Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với Viện Phát triển Phát thanh – Truyền hình Châu Á – Thái Bình Dương (AIBD) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo: “Tác nghiệp báo chí về an toàn giao thông”.

19/04/2023 15:56

Sự kiện nhằm mục đích giúp các nhà báo, phóng viên nâng cao kĩ năng tác nghiệp báo chí về an toàn giao thông, khai thác hiệu quả hơn các nội dung, dữ liệu về giao thông. Từ đó xây dựng những kế hoạch truyền thông hiệu quả, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và những hậu quả đáng tiếc do tai nạn giao thông gây ra.

Đây là chuỗi các hội thảo nhằm hưởng ứng sáng kiến Đưa tin về an toàn giao thông đường bộ, nằm trong Kế hoạch toàn cầu cho thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2021 – 2030 của WHO.

VOV là thành viên tích cực của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia - Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia thảo luận.

Hội thảo diễn ra có sự tham gia của các vị đại biểu, các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ của Việt Nam và quốc tế như Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải, Bộ GTVT, Cục Cảnh sát giao thông, Trung tâm ATGT- Đại học Việt Đức, WHO, Tổ chức Healthbridge, Quỹ Phòng chống thương vong châu Á…

Hiện nay, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ gây ra gần 1.3 triệu ca tử vong có thể phòng tránh được và khoảng 50 triệu ca chấn thương mỗi năm. Các chấn thương do giao thông đường bộ hiện là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 đến 29 tuổi. Nguy cơ tử vong do giao thông đường bộ ở các nước thu nhập thấp cao gấp 3 lần so với các nước thu nhập cao. Nếu không được can thiệp, ước tính tai nạn giao thông đường bộ có thể gây ra thêm 13 triệu cái chết và 500 triệu người bị thương tật trong thập kỷ tới, làm cản trở sự phát triển bền vững, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

VOV là thành viên tích cực của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia

Tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc VOV Trần Minh Hùng cho biết, ở Việt Nam trong năm 2022 có tới 11.450 vụ TNGT, số người chết 6.384 người, người bị thương là 7.804 người. Trong quý I của năm 2023 này, có tới 2.346 vụ tai nạn giao thông, 1.436 người chết và 1578 người bị thương. Theo Phó Tổng Giám đốc VOV Trần Minh Hùng, con số này đã giảm rất sâu dựa theo 3 tiêu chí: giảm về số vụ là khoảng trên 15%, giảm số người chết 15%, và giảm về số người bị thương là khoảng gần 9% so với năm 2022.

VOV là thành viên tích cực của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia - Ảnh 2.

Phó Tổng Giám đốc VOV Trần Minh Hùng phát biểu tại hội thảo.

Mặc dù vậy, theo Phó Tổng Giám đốc VOV Trần Minh Hùng tình hình trật tự an toàn giao thông, tình hình tai nạn giao thông vẫn còn đang là vấn đề rất nhức nhối. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới tính mạng tài sản của người dân, của chúng ta mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia vùng lãnh thổ.

“Chính phủ Việt Nam trong nhiều năm qua đã rất nỗ lực trong việc kéo giảm tai nạn giao thông. Việt Nam đã thành lập Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Đài Tiếng nói Việt Nam là thành viên rất tích cực. Cách đây gần 1 tháng, UB ATGT quốc gia cũng vừa tổ chức tổng kết đánh giá tình hình an toàn giao thông của năm 2022 và kế hoạch của năm 2023. Rõ ràng đây là vấn đề mang tính chất toàn cầu. Và ngay hội thảo của chúng ta đây cũng nằm trong hưởng ứng kế hoạch của Kế hoạch an toàn giao thông đến năm 2023 của Tổ Chức y tế thế giới”, ông Trần Minh Hùng nhấn mạnh.

Phó Tổng Giám đốc VOV Trần Minh Hùng tin tưởng rằng hội thảo sẽ là một cơ sở dữ liệu vô cùng quý giá cho các nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp đưa tin về vấn đề an toàn giao thông.

“Chúng ta truyền thông như thế nào để với mục đích mong muốn nhất là đạt hiệu quả cao nhất để mỗi một năm chúng ta kéo giảm tỷ lệ số vụ, số người chết số người bị thương vì TNGT. Đây là trách nhiệm chung của các phóng viên, nhà báo và của các cơ quan báo chí”, ông Trần Minh Hùng nhấn mạnh.

Chia sẻ trực tuyến tại chương trình, bà Philomena Gnanapragasam, Giám đốc AIBD đã gửi lời cảm ơn đến VOV khi đã phối hợp với AIBD, WHO tổ chức hội thảo dành riêng cho các phóng viên, nhà báo, những người làm công tác về an toàn giao thông tại Việt Nam và cảm ơn VOV đã mời được những vị khách quan trọng trong việc thực hiện những chính sách về giao thông tại Việt Nam.

VOV là thành viên tích cực của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia - Ảnh 3.

Bà Philomena Gnanapragasam, Giám đốc AIBD chia sẻ trực tuyến tại hội thảo.

Theo bà Philomena Gnanapragasam, chúng ta đều biết tai nạn giao thông là một vấn đề nghiêm trọng, không chỉ ở Việt Nam mà là còn là vấn đề toàn cầu. Đây là lý do vì sao mà WHO cùng với cả AIBD đã đưa ra một cây sáng kiến là thực hiện chương trình an toàn giao thông này.

“Hội thảo đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi truyền thông đóng vai trò gần như cốt lõi giúp nâng cao nhận thức, ảnh hưởng, tác động đến những thay đổi chính sách, hành vi, ý thức tới cơ quản quản lý, những người tham gia giao thông”, bà Philomena cho biết.

90% vụ TNGT xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người tham gia giao thông

Chia sẻ tham luận tại hội thảo, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, thời gian gần đây có những vụ tai nạn giao thông làm chết nhiều người đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt là chết người nhiều trong một gia đình, gây hậu quả tâm lý xã hội hết sức nặng nề.

VOV là thành viên tích cực của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia - Ảnh 4.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông chia sẻ tại hội thảo.

“Nếu phân tích kỹ ra nữa thì những phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông thì vẫn là mô tô chiếm phần lớn, chiếm tới 58,95 % các vụ tai nạn và cái thứ hai đó là xe tải, xe container, chiếm tới 21,69 % tổng số vụ tai nạn và điều này thì nó cũng phản ánh đúng với áp lực lên giao thông Việt Nam. Nguyên nhân chúng tôi phân tích thì nó vẫn chiếm tới hơn 90% từ ý thức chủ quan của người tham gia giao thông- đó là những lỗi ví dụ như đi không đúng làn đường, phần đường, vi phạm về tốc độ, không chú ý quan sát”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác bảo đảm an toàn giao thông trong tình hình mới, lực lượng cảnh sát giao thông đã và đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp từ tuyên truyền đến tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Cùng với lực lượng cảnh sát giao thông, trong các năm qua, các cơ quan báo chí đã góp phần đắc lực đối với công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông và phản ánh các hoạt động, các gương người tốt, việc tốt của lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước./.

Ý kiến của bạn