Doanh nghiệp - Doanh nhân

VNPT Pay và chặng đường một năm đồng hành cùng Cổng Dịch vụ công Quốc gia

(VOVTV) - Sau một năm chính thức vận hành, Cổng Dịch vụ công Quốc gia (Cổng DVCQG) đã có hơn 400.000 tài khoản đăng ký và phục vụ hơn 99 triệu lượt truy cập. Cùng với đó, hệ thống đã số hóa 2.700 dịch vụ công và đồng bộ trạng thái hơn 27,2 triệu hồ sơ của 84 bộ, ngành, cơ quan cấp Trung ương và địa phương.

27/02/2021 21:03

Những con số trên đã cho thấy tính hiệu quả của Cổng DVCQG và sự tin tưởng từ phía người dân đối với công cuộc chuyển đổi số của Chính phủ. Từ đây, người dân cũng như doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu, theo dõi, giám sát quá trình thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương.

Lễ 1 năm thành lập Cổng dịch vụ công Quốc gia.jpg

Lễ kỷ niệm 1 năm thành lập Cổng dịch vụ công Quốc gia

Cũng trong một năm qua, hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng DVCQG đã đóng vai trò quan trọng vào quá trình cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, gia tăng tính minh bạch của hệ thống chính quyền và tạo sự thuận tiện cho người dân. Đây là kết quả rất tích cực, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ cũng như những phản ánh sự đóng góp, nỗ lực của tất cả các đơn vị tham gia triển khai. Tiêu biểu trong số đó là VNPT Pay của Tập đoàn VNPT.

Là ví điện tử đầu tiên được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, VNPT Pay đang góp phần không nhỏ trong quá trình chuyển đổi số thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo sự thuận tiện cho người dân.

Tham gia vào quá trình xây dựng Cổng DVCQG ngay từ những ngày đầu, VNPT Pay là đơn vị đầu tiên tích hợp để thanh toán toàn bộ dịch vụ dành cho công dân trên Cổng DVCQG. Đây còn là đơn vị xây dựng và vận hành toàn bộ nền tảng thanh toán (Payment Platform) cho Cổng DVCQG, đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý hàng chục nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến trên hệ thống Cổng.

Người dân sử dụng VNPT Pay để thanh toán trên Cổng DVQG có thể tùy chọn nhiều phương thức thanh toán như: Thanh toán qua ví điện tử VNPT Pay hoặc qua thẻ/tài khoản của gần 40 ngân hàng phổ biến tại Việt Nam được VNPT Pay tích hợp sẵn.

Anh Nguyễn Hữu Việt (nhân viên kinh doanh ô tô tại Hà Nội) cho biết, nếu như trước đây để Khai và nộp lệ phí trước bạ, anh Việt cần ít nhất nửa ngày để nộp hồ sơ ở Chi cục thuế, thì nay chỉ cần khoảng 10 phút thao tác trên máy tính. "Sau khi kê khai xong, tôi có thể sử dụng ví VNPT Pay để nộp luôn lệ phí, không tốn thời gian chờ đợi.", anh Việt chia sẻ thêm.

Cổng Dịch vụ công Quốc gia có hơn 400 nghìn tài khoản đăng ký và phục vụ hơn 99 triệu lượt truy cập.jpg

Cổng Dịch vụ công Quốc gia có hơn 400.000 tài khoản đăng ký và phục vụ hơn 99 triệu lượt truy cập

Đến thời điểm hiện tại, VNPT Pay là đơn vị duy nhất cung cấp kênh thanh toán tiền điện trực tuyến trên Cổng DVCQG. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán một dịch vụ thiết yếu, liên quan mật thiết đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhằm thực hiện tốt chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, Tổng công ty Truyền thông (VNPT – Media) - Đơn vị chủ trì xây dựng nền tảng thanh toán (Payment Platform) cho Cổng DVCQD đồng thời là đơn vị chủ quản của VNPT Pay, đã tham gia ký Bản cam kết giữa các ngân hàng, trung gian thanh toán với Văn phòng Chính phủ trong tổ chức triển khai thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Theo đó, VNPT Pay cùng các ngân hàng, trung gian thanh toán khác cam kết triển khai nhiều nội dung nhằm bảo đảm an toàn, an ninh, tính công khai, minh bạch, và sự thuận tiện, đơn giản cho người dùng. Đặc biệt, VNPT Pay sẽ miễn phí các giao dịch thanh toán trên Cổng DVCQG trong năm 2021, qua đó tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện để người dân, tổ chức doanh nghiệp sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt.

Có thể nói chỉ sau hơn một năm, Cổng DVCQG đã tạo nên bước ngoặt lớn trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính và thực sự đi vào đời sống xã hội. Bước sang năm 2021, các đơn vị tham gia triển khai hệ thống, trong đó có VNPT sẽ tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện của đất nước.

Ý kiến của bạn