VN-Index mất 26 điểm, nhóm cổ phiếu Louis lại nằm sàn
Lực bán xuất hiện mạnh ở các cổ phiếu vốn hóa lớn, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ khiến thị trường chung diễn biến xấu, VN-Index xuống dưới 1.325 điểm.
Thị trường chứng khoán mở cửa phiên đầu tuần tương đối khởi sắc khi các chỉ số được kéo lên trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên lực bán nhanh chóng xuất hiện và lan rộng toàn thị trường, các chỉ số càng về cuối phiên càng giảm sâu.
Chốt phiên, VN-Index bốc hơi hơn 26 điểm (1,94%) xuống mức thấp nhất phiên dưới 1.325 điểm. Sắc đỏ chiếm ưu thế với 376 mã giảm giá (48 giảm sàn), 48 mã tăng giá và chỉ 24 mã đứng giá tham chiếu.
Trạng thái tiêu cực tương tự diễn ra trên sàn HNX khi chỉ số đại diện sàn mất 6,6 điểm (1,84%) về 353 điểm, trong đó có 198 mã tăng và 52 mã giảm. UPCoM-Index giảm 2,3 điểm (-2,36%) xuống dưới 96 điểm.
Xét nhóm vốn hóa lớn, chỉ số VN30 cũng lao dốc 1,42% trong hôm nay khi có 24/30 mã giảm giá. Trong đó nhóm bán lẻ lao dốc mạnh nhất khi MSN của Masan Group giảm 5,2% và MWG của Thế Giới Di Động mất 3,4% trong phiên.
Hàng loạt mã vốn hóa lớn khác cũng giảm sâu như BVH của Bảo Việt mất 3,9% giá trị, Chứng khoán SSI giảm 4,3%, TPB của TPBank mất 3,8% hay GVR của Tập đoàn Cao su cũng giảm 3,8%... Ngược lại VJC là lực đỡ chính khi tăng giá 3,2%.
Lực bán chủ động đang chi phối trong khi lực cầu bắt đáy vẫn dè dặt khiến hàng loạt cổ phiếu chìm trong sắc đỏ. Áp lực điều chỉnh trong phiên hôm nay còn xuất phát từ cả nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, khi VNMID Index giảm 3,37% và VNSML Index mất 3,56% là nhóm giảm mạnh nhất thị trường.
Đơn cử như ngay từ đầu phiên giao dịch, nhóm cổ phiếu thuộc "họ Louis" đồng loạt giảm sàn bao gồm APG, TDH, TGG, BII, VKC, DDV hay SMT. Bên cạnh đó, AGM giảm 6,9% xuống 33.300 đồng/cổ phiếu hay GKM đang là mã hiếm hoi thuộc nhóm này còn tăng giá với 0,7%. Đây đã là phiên thứ 3 liên tiếp giảm giá sâu của nhóm này.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh khi lực bán xuất hiện mạnh về cuối phiên. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 21.256 tỷ đồng, tăng 12,8% so với phiên trước, riêng giá trị khớp lệnh sàn HoSE tăng 16,4% lên 19.460 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 250 tỷ đồng trên HoSE.
Trước phiên giao dịch này, nhiều công ty chứng khoán phần lớn đưa ra dự báo khá thận trọng, khuyến nghị nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn với tỷ trọng thấp trong danh mục để chờ xu hướng mới.
Chứng khoán Kiến Thiết cho rằng thị trường đang ở trong giai đoạn tương đối rủi ro. Dù vậy VN-Index vẫn sẽ sớm thoát khỏi xu hướng sideway và vận động tích cực để hướng tới ngưỡng kháng cự mạnh 1.390 điểm.
Tương tự khi Chứng khoán BIDV nhận định thị trường có thể có biến động mạnh khi các nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục vào các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý III ít chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhằm đón đầu dòng tiền đầu tư trong tháng 10. Hiện tượng này cũng sẽ giúp VN-Index kiểm tra lại ngưỡng 1.380 điểm trong giai đoạn tới.
Chứng khoán Đông Á khuyến nghị nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, có thể giao dịch ngắn hạn với tỷ trọng nhỏ để chờ thị trường xác lập xu hướng mới. Chứng khoán Vietcombank cũng đưa ra chiến lược giao dịch “lướt sóng” ngắn hạn trong biên độ hẹp với yêu cầu tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đầu tư trong trường hợp thị trường bất ngờ xuất hiện xu hướng mới và biến động vượt ngoài kỳ vọng.
Tin nổi bật
Tin Video