Tin tức

VKS khẳng định đủ căn cứ kết luận ông Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng

Theo đại diện VKS, lời khai của bị cáo Hải về việc đưa tiền cho ông Trần Hùng rất logic, có đầy đủ trật tự về thời gian, địa điểm, phù hợp với các chứng cứ khác.

22/07/2023 19:01

Sáng 22/7, phiên tòa xét xử ông Trần Hùng (cựu Cục phó Quản lý thị trường (QLTT), cựu tổ trưởng Tổ 304 Tổng cục QLTT) và 35 bị cáo về các tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả", "Nhận hối lộ", "Môi giới hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", trong vụ án sản xuất, mua bán hơn 9,4 triệu quyển sách giả tiếp tục với phần tranh luận.

Trước đó, bị cáo Hùng đã bị đề nghị từ 9-10 năm tù về tội "Nhận hối lộ" để bao che cho hành vi sản xuất sách giả của Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát). Tuy nhiên, tại phiên xét xử chiều 21/7, luật sư bào chữa của ông Hùng chỉ ra điểm vô lý trong việc cáo buộc cựu Cục phó nhận tiền từ Nguyễn Duy Hải và đề nghị xem xét, trả tự do cho ông Hùng ngay tại tòa.

Theo luật sư, phiên tòa cần làm rõ hơn dữ liệu định vị, thời gian các cuộc gọi, vị trí điện thoại của bị cáo Trần Hùng ở các thời điểm có liên quan đến việc chứng minh có hay không việc Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng từ người môi giới Nguyễn Duy Hải cũng như việc Hùng có giúp Cao Thị Minh Thuận trong vụ sách lậu mà Đội QLTT 17 lúc ấy vừa phát hiện.

VKS khẳng định đủ căn cứ kết luận ông Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng - Ảnh 1.

Bị cáo Trần Hùng - Cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, cựu Tổ trưởng Tổ 304 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường

Luật sư dẫn lại lời khai của bị cáo Hải về việc xác nhận đưa tiền cho Trần Hùng vào khoảng 13h ngày 15/7/2020. Tuy nhiên, theo dữ liệu trích xuất, từ 11h44 đến 14h02 ngày 15/7/2020, cột sóng định vị ông Hùng ở quận Ba Đình.

Tại phiên xét xử sáng 22/7, đại diện Mobifone được mời đến tòa để làm rõ các tranh cãi liên quan đến định vị cuộc gọi của ông Trần Hùng trong ngày 15/7/2020 (ngày ông Hùng bị cáo buộc nhận hối lộ 300 triệu đồng).

Khi được hỏi về vấn đề tại sao có việc định vị của một thiết bị nhưng tại 2 địa điểm khác nhau, đại diện Mobifone có mặt tại tòa cho biết, trong quá trình sử dụng thuê bao di động có thể di chuyển. Tại thời điểm thuê bao di chuyển giữa ranh giới của hai cột phát sóng, cột sóng nào mạnh hơn sẽ ghi nhận thuê bao ở cột đó.

"Tin nhắn ghi nhận ở cột sóng này nhưng cuộc gọi lại được ghi nhận ở cột sóng khác là chuyện bình thường" , đại diện Mobifone trình bày.

VKS khẳng định đủ căn cứ kết luận ông Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng - Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Duy Hải

Về quy trình bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng, đại diện Mobifone nói chỉ cung cấp dữ liệu thuê bao khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước, dựa vào thông tư của Tòa án nhân dân Tối cao và Bộ Công an.

Đối đáp lại luật sư bào chữa cho ông Trần Hùng, đại diện VKS khẳng định có đủ căn cứ kết luận ông Trần Hùng nhận 300 triệu đồng thông qua Nguyễn Duy Hải, chứ không chỉ căn cứ vào duy nhất lời khai của bị cáo Hải.

Theo VKS, để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo có thể căn cứ vào lời kể lại, nghe lại của những người khác, trong khi những lời này là khách quan, logic.

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng lời khai của Nguyễn Duy Hải rất logic, có đầy đủ trật tự về thời gian, địa điểm, phù hợp với các chứng cứ khác.

Viện kiểm sát khẳng định, từ 13h10 đến 13h15 là khoảng thời gian Hải đưa tiền cho Trần Hùng.

Theo cáo trạng, năm 2021, Cao Thị Minh Thuận - Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát, cùng đồng phạm sản xuất hơn 9,4 triệu quyển sách giả các loại liên quan Nhà xuất bản Giáo dục, trị giá in trên bìa hơn 260 tỷ đồng. Nhóm này đã tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển; còn 3 triệu quyển chưa kịp bán thì bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ.

Điều tra mở rộng vụ án, cơ quan điều tra xác định, năm 2020, Thuận bị Đội Quản lý thị trường số 17 phối hợp Tổ 304 nơi Trần Hùng làm Tổ trưởng kiểm tra, thu giữ hơn 27.000 quyển sách giả. Tuy nhiên, vụ việc không được Hùng báo cáo với Tổng cục trưởng mà trực tiếp chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội và đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra, xử lý.

Cao Thị Minh Thuận đã nhắn tin, điện thoại cho Trần Hùng nhờ giúp đỡ, xin xử lý nhẹ vụ việc. Cáo trạng nêu rõ, Trần Hùng "đồng ý tha" với yêu cầu Thuận chỉ ra một số cơ sở in lậu. Sau đó, Thuận tiếp tục liên hệ với Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) đặt vấn đề chi tiền cho Trần Hùng để xin xử lý nhẹ vụ việc.

Cũng theo cáo trạng, Trần Hùng đã hướng dẫn Hải nói với Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách, từ "sách mua bị thu giữ" sang "sách do người khác mang đến ký gửi" để được giảm nhẹ.

Ngày 15/7/2020, Hải cầm 300 triệu đồng đựng trong túi ni lông màu đen đến phòng làm việc của Trần Hùng. Tại đây, Hải gọi điện để ông Hùng nói chuyện với Thuận, nghe cụ thể hướng dẫn về cách khai báo. Theo Viện kiểm sát, sau đó, Hùng còn chỉ đạo cấp dưới tạo điện kiện giúp đỡ Thuận theo hướng xử lý hành chính vụ buôn sách lậu.

Quá trình điều tra, bị cáo Trần Hùng không thừa nhận hành vi nhận hối lộ. Tuy nhiên, Viện kiểm sát cho rằng, căn cứ lời khai của những người khác, các dữ liệu điện tử trích xuất từ điện thoại…, có đủ cơ sở xác định Trần Hùng đã nhận 300 triệu đồng để xử lý nhẹ vụ buôn sách lậu.

Ý kiến của bạn