Virus Dengue - Thủ phạm gây ra sốt xuất huyết
(VOVTV) - Dịch sốt xuất huyết sau chu kỳ 7-8 năm sẽ bùng phát trở lại. Bệnh do virus Dengue (thuộc họ Flaviviridae) gây ra, Virus này có 4 chủng huyết thanh (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN4), bệnh nhân nhiễm chủng virus nào thì có khả năng tạo miễn dịch với chủng virus đó. Vì vậy, người đã mắc sốt xuất huyết rồi vẫn có thể bị mắc lại.
Sốt xuất huyết dengue lan truyền thông qua vật trung gian là muỗi Aedes (loài này thường hoạt động vào ban ngày và chỉ muỗi cái mới đốt và truyền bệnh) và người chính là vật chủ chính mang virus.
Nhiễm virus dengue gây nên các triệu chứng lâm sàng khác nhau tùy thuộc vào từng cá thể, bệnh có thể chỉ biểu hiện là một hội chứng nhiễm virus thông thường đến rất nặng là xuất huyết hoặc shock (hội chứng shock dengue).
Khi muỗi đốt vật chủ mang mầm bệnh, virus sẽ tồn tại trong cơ thể chúng từ 8-10 ngày. Trong thời kỳ này nếu muỗi đốt người lành, thì đấy cũng là lúc mầm bệnh lan truyền.
Diễn biến bệnh của sốt xuất huyết
Thời kỳ ủ bệnh
Sau khi muỗi mang mầm bệnh đốt, virus lan truyền vào máu, tùy vào từng cá thể mà virus nhân lên gây khởi phát bệnh hoặc sẽ không khởi phát.
Thời kỳ ủ bệnh thường là 3-6 ngày, có những trường hợp có thể đến 2 tuần.
Thời kỳ khởi phát (giai đoạn sốt dengue)
Bệnh lý khởi phát một cách đột ngột và rầm rộ với các triệu chứng như:
- Sốt cao và liên tục.
- Mệt mỏi, đau đầu, đau hốc mắt, đau mỏi người, đau cơ (bệnh nhân thường đau thắt lưng nhiều).
- Các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên (đau họng, ho...) và các triệu chứng của hệ tiêu hóa như (đi ngoài lỏng, buồn nôn, nôn nhiều...).
Chúng ta cần chú ý ở trẻ nhỏ thường nổi trội với các triệu chứng của tiêu hóa và đường hô hấp trên. Nếu bạn đang ở trong vùng dịch tễ, khi sốt bạn hãy chú ý đến bệnh sốt xuất huyết.
Thời kỳ lui bệnh
Đây là thời kỳ nguy hiểm nhưng các triệu chứng lại đỡ dần khiến người bệnh và người nhà chủ quan. Giai đoạn này là giai đoạn tiểu cầu bắt đầu hạ (số lượng < 100000/mm3) và máu bị cô đặc, tính thấm của thành mạch gia tăng khiến các triệu chứng xuất huyết xảy ra như:
- Xuất huyết dưới da.
- Chảy máu chân răng, chảy máu cam...
- Xuất huyết tiêu hóa...
Ngoài ra do thay đổi tính thấm của thành mạch, khiến huyết tương thoát ra ngoài dịch kẽ với số lượng lớn, cùng lúc với giảm tiểu cầu bệnh nhân có thể xuất hiện shock (hội chứng shock dengue - dengue shock syndrome).
Phân loại nguy cơ theo WHO
Độ I : Giảm tiểu cầu và cô đặc máu nhưng không có chảy máu tự phát.
Độ II : Giảm tiểu cầu và cô đặc máu kèm chảy máu tự phát.
Độ III : Giảm tiểu cầu và cô đặc máu, huyết áp không ổn định.
Độ IV : Giảm tiểu cầu và cô đặc máu với các triệu chứng shock rõ ràng ( huyết áp tụt, chân tay lạnh, giảm tưới máu ngoại vi...).
Bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị cẩn thận sẽ giảm được những tai biến không đáng có.
Chẩn đoán: Với sự phát triển của các kỹ thuật xét nghiệm, việc chẩn đoán sốt xuất huyết dengue khá dễ dàng. Theo WHO chẩn đoán nguyên nhân là cực kỳ quan trọng và cần thiết trên phương diện sức khỏe cộng đồng, nhưng thực tế lại không quá quan trọng cho việc thiết lập một chế độ hỗ trợ điều trị sớm cho bệnh nhân.
Xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân:
- Xét nghiệm kháng nguyên dengue NS1 cho chẩn đoán sốt dengue ngay từ những ngày đầu tiên.
- Xét nghiệm IgM : tìm kháng thể dengue IgM dương tính từ ngày thứ 4 của bệnh.
- Xét nghiệm IgG: đánh giá hiệu giá kháng thể dengue IgG trong chẩn đoán trường hợp sốt xuất huyết tái nhiễm (rất có giá trị trong tiên lượng bệnh, bệnh nhân bị nhiễm lần 2 thường nặng hơn và nhiều nguy cơ hơn) Xét nghiệm giúp đỡ điều trị.
- Công thức máu (xem tình trạng cô đặc máu và số lượng tiểu cầu...).
- Sinh hóa máu (xem xét tính điện giải và chức năng gan thận...).
- Siêu âm, XQ tim phổi (đánh giá mức độ bệnh và những nguy cơ biến chứng...).
Điều trị bệnh xin hãy tư vấn bác sĩ. Đừng tự ý điều trị sẽ giúp bạn tránh những tai biến không đáng có
BS. Lương Hoài Linh