Tin tức

VinFuture - khoa học làm thay đổi cuộc sống

(VOVTV) - Lần đầu tiên, Giải thưởng khoa học - công nghệ thường niên toàn cầu VinFuture đã được trao cho các nhà khoa học xuất sắc với những công trình khoa học làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người trên thế giới. Họ là những người đã vượt lên khó khăn để theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học vốn nhiều chông gai.

Tác giả Tạ Lan / VOV1
21/01/2022 07:34

Tôn vinh những công trình khoa học kiệt xuất có tính ứng dụng cao, có thể tạo ra sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới và thúc đẩy khoa học phụng sự nhân loại - đó cũng chính là giá trị lớn nhất và cũng là sứ mệnh của Giải thưởng VinFuture. Cùng với giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD, VinFuture cũng vinh danh 3 giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới, nhà khoa học nữ và nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. 

DO__4735.jpg

GS.TS Omar M.Yaghi- trường Đại học California - Berkeley, Mỹ (ở giữa)

Theo đó, giải đặc biệt VinFuture dành cho nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới đã được trao cho GS.TS Omar M.Yaghi - trường Đại học California - Berkeley (Mỹ) khi tiên phong trong việc khám phá và phát triển vật liệu khung hữu cơ - kim loại (MOFs) có tiềm năng cải thiện cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người. 

Chia sẻ về hành trình nghiên cứu của mình, GS.TS Omar M.Yaghi nói: "Tôi quá xúc động. Về những điều đã thúc đẩy tôi đưa ra phát minh này, với xuất thân từ 1 gia đình người tị nạn, tôi thấy cơ hội tôi thành công rất ít ỏi và cách vượt qua khó khăn này không chỉ là làm việc chăm chỉ mà còn là việc biết nói không với người bảo chúng ta rằng “Không ổn đâu”. Và quan trọng là chúng ta hãy quan sát xung quanh, chúng ta sẽ có cách nhìn nhận tốt hơn mọi người. Những cơ hội nhỏ vẫn có thể là cơ hội cho sự thành công".

DO__4903.jpg

GS. Zhenan Bao nhận giải nhà khoa học nữ

Làm khoa học đã khó, phụ nữ nghiên cứu khoa học lại càng khó hơn. Là nhà khoa học được trao giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ, GS. Zhenan Bao- Đại học Stanford (Mỹ), tác giả công trình nghiên cứu tiên phong về phát triển thiết bị điện tử giống như da người và một loạt các ứng dụng của các thiết bị này trong y tế và năng lượng bày tỏ mong muốn những nghiên cứu của mình sẽ giúp giải quyết một phần những thách của toàn cầu.

Là chủ nhân của giải đặc biệt dành cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, GS. Salim Abdool Karim và vợ mình là GS. Quarraisha Abdool Karimb - Trung tâm Nghiên cứu AIDS Nam Phi đã tiến hành những nghiên cứu nhằm phát minh gel có chứa dược chất Tenefovir có khả năng ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV, từ đó giúp ngăn chặn sự lây lan HIV trên khắp thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển.

HQ_F0498.jpg

GS. Salim Abdool Karim và vợ mình là GS. Quarraisha Abdool Karim

Bày tỏ xúc động khi được nhận Giải thưởng VinFuture, GS. Salim Abdool Karim nói: "HIV là thách thức hàng ngày trong cuốc sống của chúng tôi. Đối với chúng tôi, nghiên cứu này nhằm tạo ra sự khác biệt. Chúng tôi cố gắng làm điều này với hết sức mình. Giải thưởng không chỉ dành cho vợ chồng tôi mà đây là tia sáng hy vọng dành cho nhà khoa học từ các nước đang phát triển đang làm việc miệt mài trong các phòng nghiên cứu để tạo ra điều khác biệt tốt hơn cho thế giới".

DONE.jpg

S. Katalin Kariko, GS. Drew Weissman (Mỹ) và GS. Pieter Cullis (Canada), chủ nhân giải thưởng chính VinFuture mùa đầu tiên

Sáng nay (21/1), những chủ nhân của giải thưởng VinFuture mùa đầu tiên sẽ có buổi giao lưu với các bạn sinh viên, những nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam tại trường Đại học VinUni. Trong buổi giao lưu này các nhà khoa học sẽ chia sẻ câu chuyện đến với khoa học của mình, chia sẻ về dự án đưa họ trở thành chủ nhân của giải thưởng VinFuture… và từ đó hy vọng có thể truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Ý kiến của bạn