Tin tức

Việt Nam và quốc tế kêu gọi thả tự do cho các lãnh đạo bị bắt giữ tại Mali

(VOVTV) - Ngày 26/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp trực tuyến thảo luận về biến động chính trị tại Mali. Nhiều nước trong đó có Việt Nam kêu gọi thả tự do cho các lãnh đạo bị bắt giữ là Tổng thống, Thủ tướng và các quan chức Chính phủ chuyển tiếp.

Tác giả PV / VOVTV
27/05/2021 09:11

Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán Công sứ Nguyễn Phương Trà, Phó Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cho biết, Việt Nam theo dõi sát tình hình đang diễn ra tại Mali và bày tỏ quan ngại sâu sắc trước báo cáo về việc bắt giữ Tổng thống, Thủ tướng và các quan chức Chính phủ chuyển tiếp của nước này. Đại diện Việt Nam cho rằng vụ việc này sẽ mang đến những rủi ro cho quá trình chuyển tiếp chính trị, làm bất ổn tình hình cũng như tạo thêm nhiều khó khăn hơn cho việc triển khai Hiệp định Hoà bình năm 2015 ở Mali.

2021-05-05T095807Z_2024459174_RC2L9N9CWL6F_RTRMADP_3_FOOD-SECURITY-UN.JPG

Tại cuộc họp với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam kêu gọi thả tự do cho các lãnh đạo bị bắt giữ tại Mali. Ảnh: Reuters

Việt Nam thúc giục các bên kiềm chế, giải quyết các khác biệt thông qua đối thoại, tham vấn và thiết lập lại trật tự Hiến pháp. Cùng các thành viên HĐBA khác, Việt Nam kêu gọi việc bảo đảm an toàn và thả tự do cho các lãnh đạo, quan chức của Chính phủ chuyển tiếp và hi vọng các bên sớm nối lại tiến trình chuyển đổi vì lợi ích lâu dài của người dân Mali. Đại diện Việt Nam khẳng định ủng hộ các nỗ lực hoà giải của cộng đồng quốc tế, trong đó có Hội đồng kinh tế Tây Phi và Sahel (ECOWAS) cũng như hoan nghênh và ủng hộ các nỗ lực của Phái bộ LHQ tại Mali (MINUSMA) trong thực hiện các nhiệm vụ của mình tại Mali. Đại diện Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ người dân Mali, trong đó bao gồm việc giải quyết các thách thức nhân đạo.

2021-05-26T161747Z_103327727_RC2NNN9OQFKY_RTRMADP_3_MALI-POLITICS.JPG

Tối ngày 24/5, các nhà lãnh đạo Mali bị bắt và đưa đến một doanh trại quân đội ở ngoại ô thủ đô Bamako. Ảnh: Reuters

Trước đó, ngày 25/5, nhiều nước tiếp tục đưa ra phản ứng sau khi một số binh sĩ Mali bắt giữ các nhà lãnh đạo nước này và đưa đến một doanh trại quân đội ở ngoại ô thủ đô Bamako.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Phi của Anh, ông James Duddridge đã chỉ trích vụ giam giữ các thành viên trong Chính phủ lâm thời Mali, bao gồm tổng thống và Thủ tướng, đồng thời kêu gọi trả tự do cho những quan chức này ngay lập tức.

Trong một tuyên bố, ông James Duddridge nhấn mạnh: "Vương quốc Anh ủng hộ tiến trình chuyển giao quyền lực hợp hiến ở Mali. Anh bày tỏ quan ngại sâu sắc về các sự kiện gần đây có nguy cơ làm suy yếu các nỗ lực khôi phục tiến trình này trong khuôn khổ thời gian đã thỏa thuận."

2021-05-24T201207Z_1989453504_RC2KMN9F7KWT_RTRMADP_3_MALI-POLITICS.JPG

Tổng thống lâm thời của Mali Bah Ndaw. Ảnh: Reuters

Về phần mình, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng lên án việc phế truất và giam giữ Tổng thống lâm thời của Mali Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane, đồng thời nhấn mạnh quá trình chuyển giao quyền lực hướng tới một chính quyền dân sự cần phải được bảo đảm. Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian cũng kêu gọi các binh sĩ trả tự do cho các lãnh đạo bị bắt giữ, đồng thời lập tức nối lại tiến trình chuyển giao quyền lực.

2021-05-12T110655Z_1078314903_RC2BEN9H6BBW_RTRMADP_3_FRANCE-ARGENTINA-PRESIDENTS.JPG

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian lên án việc phế truất và giam giữ Tổng thống lâm thời của Mali, ông Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane. Ảnh: Reuters

Quân đội Mali đã bắt giữ Tổng thống Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane vào tối 24/5. Một ngày sau đó, Phó Tổng thống lâm thời Mali, Đại tá Assimi Goita cho biết ông đã phế truất Tổng thống và Thủ tướng vì họ vi phạm hiến chương chuyển tiếp do không tham khảo ý kiến ông khi đề cử chính phủ mới. 

Vụ bắt giữ Tổng thống và Thủ tướng xảy ra sau khi Chính phủ lâm thời của Mali công bố điều chỉnh nhân sự nội các, trong đó thay thế Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng An ninh và bảo vệ dân sự. Hai vị trí này trước đó lần lượt do Đại tá Sadio Camara và Đại tá Modibo Kone đảm nhiệm. Đây là hai nhân vật đầu não trong vụ binh biến hồi tháng 8/2020.

2021-05-25T105442Z_1245942187_RC2YMN9SHH4K_RTRMADP_3_MALI-POLITICS.JPG

Căn cứ nơi quân đội giam giữ Tổng thống Bah Ndaw, Thủ tướng Moctar Ouane và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Souleymane Doucoure. Ảnh: Reuters

Trong một diễn biến liên quan, ngày 26/5, hai nhà lãnh đạo của chính phủ lâm thời Mali, Tổng thống Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane đã từ chức. Sự việc diễn ra trong bối cảnh các nỗ lực trung gian hòa giải đang được triển khai sau khi 2 quan chức này bị một nhóm binh sĩ bắt giữ hôm 24/5. 

Ý kiến của bạn