Việt Nam nghiên cứu phương án tiêm 2 loại vaccine Covid-19 khác nhau
Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy người được tiêm 2 loại vaccine Covid-19 có hiệu quả bảo vệ tốt hơn.
Trên thế giới, nhiều quốc gia như Đức, Canada, Anh, Thụy Điển, Pháp, Tây Ban Nha… đã cho phép, thậm chí khuyến khích người dân tiêm vaccine Covid-19 của 2 hãng khác nhau nếu mũi 1 sử dụng AstraZeneca.
Tại Việt Nam, Ban Chỉ đạo về công tác tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đã giao Bộ Y tế nghiên cứu phương án nên tiêm mũi 2 cùng loại hay 2 khác loại dựa trên kinh nghiệm của thế giới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết một số nước đã nghiên cứu có thể dùng 2 loại vaccine ở thời điểm tiêm khác nhau. Ví dụ, trước mắt, người dân có thể dùng vaccine AstraZeneca, sau đó sử dụng Pfizer hoặc một số loại khác.
"Qua nghiên cứu, nhiều khi sử dụng vaccine khác hãng, khác dòng đạt hiệu quả miễn dịch còn cao hơn", ông Thuấn thông tin.
Do đó, vị lãnh đạo này cho rằng người dân không nên có tâm lý kén chọn, chờ đợi các vaccine khác. "Trước mắt, nếu có vaccine nào, hãy tiêm vaccine đó. Vì thực tế, không có vaccine nào an toàn và hiệu quả 100%", ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, các trường hợp đã tiêm vaccine vẫn phải quan tâm và thực hiện đúng theo khuyến cáo vaccine + 5K của Bộ Y tế.
GS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thông tin thêm nhiều nước châu Âu và Mỹ đang thực hiện nghiên cứu kết hợp 2 loại vaccine.
Số liệu ở Tây Ban Nha cho thấy người tiêm mũi 1 AstraZeneca, mũi 2 Pfizer cho kết quả đáp ứng miễn dịch rất tốt, thậm chí tốt hơn khi tiêm cùng một loại.
Ở Anh, các nhà khoa học đang nghiên cứu tiêm mũi 2 bằng vaccine khác như Moderna hoặc Sputnik V… để đánh giá đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Số liệu bước đầu cũng rất khả quan.
Với vaccine AstraZeneca, nhà sản xuất vẫn khuyến cáo tiêm mũi 2 cùng loại. Hhãng này cũng cho biết việc tiêm vaccine chứa thành phần mNRA cũng có cơ chế sinh miễn dịch tương tự. Vì vậy, việc tiêm 2 loại vaccine cho một người là hoàn toàn có thể.
Hiện tại, nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn đang được thử nghiệm trước khi đưa ra khuyến cáo cuối cùng.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cập nhật khi có thông tin mới theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới.
Tin nổi bật
Tin Video