Tin tức

Việt Nam là 1 trong 4 nước có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới

Cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ, Việt Nam là 1 trong 4 nước có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới hiện nay. Đó là thông tin được Bộ Y tế khẳng định tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống AIDS hôm nay 1/12.

Tác giả Văn Hải / VOV1
01/12/2020 17:13

Lễ mít tinh được tổ chức trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh thành phố. Tới dự tại đầu cầu Hà Nội có Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.  

Việt Nam là 1 trong 4 nước có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Kể từ khi phát hiện người nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990, đến nay Việt Nam đã có 30 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS. Hiện nước ta có khoảng 230.000 người nhiễm HIV/AIDS còn sống. Trong đó hơn 150.000 bệnh nhân được điều trị thuốc ARV. 

Kết quả theo dõi chất lượng điều trị cho thấy: Tỷ lệ tuân thủ ARV sau 12 tháng là 88%. Tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt trên 96%. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Việt Nam đã triển khai toàn diện, hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong 30 năm qua.  

Công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta trong thời gian tới đối diện nhiều khó khăn, thách thức và  dịch HIV vẫn có diễn biến phức tạp. Mỗi năm nước ta vẫn có gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện và khoảng 2.000 người tử vong. Hiện có 40.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm bệnh của mình. Lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục tiếp tục tăng, nhất là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tăng từ 2,3% năm 2012 lên 12,7% năm 2019, dẫn đến việc kiểm soát dịch HIV càng trở nên khó khăn hơn. Tình trạng kỳ thị, phân biệt, đối xử liên quan đến HIV vẫn còn khá phổ biến. 

Phát biểu tại lễ mít tinh, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu ngành y tế tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh, can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Thực hiện tốt công tác liên thông trong khám chữa bệnh, bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV; người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm; Người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị ARV sớm và tham gia bảo hiểm y tế. Đối với các tổ chức xã hội, cộng đồng: cần tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động nhất là việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm đích của mình.

Về mục tiêu chấm dứt cơ bản dịch AIDS, chỉ còn 1.000 trường hợp nhiễm HIV mới một năm, tức là giảm giảm 10 lần vào năm 2030, một thách thức lớn, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Dịch HIV/AIDS có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan, lơ là và nó không thể tự mất đi nếu không được đầu tư và can thiệp. Đây là việc cần phải làm và chúng ta càng làm sớm thì càng tiết kiệm, càng hiệu quả. Điều này đúng ở cả cấp độ từng địa phương và cấp quốc gia. Đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS không chỉ mang lại hiệu quả lớn về sức khỏe, mà còn góp phần ổn định an ninh trật tư và phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của cả nước. Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS; Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Bây giờ là thời điểm các địa phương cần chủ động xây dựng và trình cấp thẩm quyền phê kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS cho đến năm 2030, trước mắt cho giai đoạn trung hạn 2021-2025.

Cũng tại lễ mít tinh, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã trao Huân chương lao động hạng nhì của Chủ tịch nước cho Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế)./.

Ý kiến của bạn