Việt Nam khẳng định ASEAN cần phát huy sức mạnh đoàn kết, tự chủ chiến lược
(VOVTV) - Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, để khẳng định “tầm vóc” là tâm điểm của tăng trưởng, ASEAN cần phát huy mạnh mẽ sức mạnh đoàn kết, thống nhất, tự chủ chiến lược.
Ngày 9/5, tại Labuan Bajo, Indonesia, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại ASEAN, Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 26 và Hội đồng Điều phối ASEAN 33. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Redno Marsudi chủ trì các Hội nghị.
Các Bộ trưởng Ngoại giao rà soát mọi mặt công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42, trong đó thống nhất chương trình hoạt động, nghị sự và các văn kiện sẽ trình lên các Lãnh đạo Cấp cao.
Nhiều văn kiện quan trọng đã được các Bộ trưởng xem xét trong đó có những văn kiện có ý nghĩa định hướng lâu dài như: Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN, cũng như những lĩnh vực hợp tác cụ thể, thiết thực như phát triển hệ sinh thái xe điện, kết nối thanh toán khu vực, mạng lưới làng xã…
Các Bộ trưởng cũng dành nhiều thời gian thảo luận các trọng tâm, ưu tiên và các vấn đề thuộc quan tâm chung của ASEAN.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, các Bộ trưởng chia sẻ nhận định tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt cùng nhiều thách thức rủi ro, tiềm ẩn tác động đến ASEAN.
Theo đó, các nước nhất trí sẽ tăng cường các giá trị, nguyên tắc và chuẩn mực ứng xử của ASEAN, từ đó bảo đảm độc lập và tự chủ, chủ động và linh hoạt thích ứng trước biến động, thực sự là trung tâm trong cấu trúc khu vực.
Về hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, các nước đã xem xét nhiều đề xuất của đối tác xin tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), thiết lập và nâng cấp quan hệ với ASEAN. Các Bộ trưởng nhất trí cần tăng cường hợp tác thực chất, đề nghị các đối tác cam kết và đóng góp xây dựng cho Cộng đồng ASEAN, cùng ứng phó hiệu quả các thách thức chung vì mục tiêu hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển.
Các Bộ trưởng khẳng định lại tinh thần xây dựng, hợp tác, đoàn kết, tương trợ và phát huy vai trò của ASEAN trong hỗ trợ Myanmar vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Theo đó, ASEAN cần thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm và Quyết định của Lãnh đạo Cấp cao tháng 11/2022 . Các nước bày tỏ ủng hộ nỗ lực của Chủ tịch ASEAN 2023 và Đặc phái viên Chủ tịch về Myanmar trong triển khai nhiệm vụ.
Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN lần thứ 26: Các Bộ trưởng hoan nghênh kết quả tích cực trong triển khai Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025. Đáng chú ý, các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử của ASEAN được coi trọng;hợp tác thực chất được thúc đẩy trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh biển, ứng phó các thách thức đang nổi lên; hiệu quả của các cơ chế, chương trình và kế hoạch hợp tác với các đối tác được chú trọng; lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông tiếp tục được củng cố, trong đó có thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)…
Chia sẻ các thách thức ở khu vực, các Bộ trưởng nhấn mạnh ASEAN cần duy trì đoàn kết, nâng cao tính chủ động và linh hoạt thích ứng trước các chuyển động chiến lược, củng cố vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực mở, bao trùm, minh bạch và dựa trên luật lệ.
Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 33: Các Bộ trưởng đánh giá tổng thể tiến độ triển khai Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025, các Kế hoạch tổng thể trên ba trụ cột, cùng các Kế hoạch Tổng thể kết nối ASEAN và Sáng kiến liên kết ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển, đề nghị triển khai đúng hạn các kế hoạch đề ra, tạo cơ sở vững chắc cho liên kết và hợp tác của ASEAN trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Ghi nhận tiến độ soạn thảo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, các Bộ trưởng hoan nghênh Nhóm Đặc trách Cao cấp (HLTF)hoàn tất các thành tố chính của Tầm nhìn, đề nghị Nhóm HTLF tăng cường tham vấn rộng rãi, bảo đảm Tầm nhìn phù hợp với nguyện vọng, quan tâm của người dân.
Các Bộ trưởng cũng nhất trí đẩy nhanh thảo luận về các khuyến nghị nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN, trong đó có tăng cường vai trò của các cơ quan trong ASEAN, huy động nguồn lực…, coi đây là những bước chuẩn bị quan trọng để ASEAN có thể thích ứng tốt hơn trước các cơ hội và thách thức trong tương lai.
Trên cơ sở chỉ đạo của Lãnh đạo Cấp cao về việc Timor Leste xin gia nhập ASEAN, các Bộ trưởng đã trao đổi và hoàn tất Lộ trình Timor Leste trở thành thành viên ASEAN. Văn kiện này sẽ tạo tiền đề cho quá trình chuẩn bị và hỗ trợ Timor Leste chính thức gia nhập ASEAN.
Phát biểu tại các hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ đánh giá về những chuyển động nhanh chóng trong môi trường chiến lược khu vực và toàn cầu, đặt ra cho ASEAN cả cơ hội và thách thức đan xen.
Trong bối cảnh đó, để khẳng định “tầm vóc” là tâm điểm của tăng trưởng, ASEAN cần phát huy mạnh mẽ sức mạnh đoàn kết, thống nhất, tự chủ chiến lược, phát huy hiệu quả vai trò trung tâm với sự ủng hộ và tôn trọng của các đối tác, khẳng định sứ mệnh duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Trước sự gia tăng của các thách thức an ninh phi truyền thống, Bộ trưởng hoan nghênh và đề nghị thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa trong các lĩnh vực hợp tác biển, ứng phó ô nhiễm môi trường biển, rác thải biển, tội phạm xuyên quốc gia, dịch bệnh… Bộ trưởng bày tỏ ủng hộ sáng kiến của Chủ tịch Indonesia xuất bản Tài liệu Thường niên ASEAN về hợp tác biển.
Bộ trưởng đánh giá cao các nỗ lực của Chủ tịch Indonesia hướng đến hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm, nhấn mạnh tăng cường hợp tác tiểu vùng, trong đó ASEAN cần đóng vai trò trung tâm, gắn kết phát triển tiểu vùng với các chương trình hợp tác chung của ASEAN, thúc đẩy kết nối hạ tầng, thể chế và con người nhằm tạo động lực tăng trường cho các tiểu vùng, hỗ trợ đắc lực mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển.
Trao đổi về tình hình quốc tế, khu vực, Bộ trưởng tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm của từng nước xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, an toàn và ổn định, kêu gọi các nước duy trì đối thoại, tăng cường lòng tin, giải quyết hòa bình tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Việt Nam cùng ASEAN và Trung Quốc cam kết tuân thủ thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, phấn đấu sớm đạt được Bộ COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Bộ trưởng hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Đặc phái viên của Chủ tịchASEAN về Myanmar trong thúc đẩy triển khai Đồng thuận 5 Điểm nhằm hỗ trợ Myanmar, nhấn mạnh cần đối thoại xây dựng và thực chất giữa các bên liên quan tại Myanmar nhằm tăng cường xây dựng lòng tin, bảo đảm mọi giải pháp phải của Myanmar và do Myanmar dẫn dắt.