Việt Nam ghi danh ngành nội soi vào bản đồ y học thế giới?
(VOVTV) - GS.TS Trần Bình Giang - Anh hùng Lao động, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, đã mang vinh quang về cho nền y tế nước nhà nhờ kĩ thuật nội soi do ông trực tiếp nghiên cứu và phát triển.
VOVTV đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với tấm gương điển hình trong Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, người có đóng góp lớn trong các công trình khoa học - y tế, được Đảng và Nhà nước ghi nhận: GS.TS Trần Bình Giang, Anh hùng Lao động, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Ông là giáo sư đầu ngành phẫu thuật nội soi của Việt Nam, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố quốc tế. Ông đồng thời là Uỷ viên Ban chấp hành, nguyên Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật Nội soi Châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch Hội phẫu thuật nội soi Việt Nam, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu khoa học tâm đắc nhất trong giai đoạn 2016 - 2020
GS.TS Trần Bình Giang chia sẻ: "Điều mà tôi tâm đắc, đi theo suốt quá trình làm nghề chính là lĩnh vực phẫu thuật nội soi. Đó là lĩnh vực phẫu thuật mũi nhọn, là những kĩ thuật giúp việc điều trị cho người bệnh không những đạt hiệu quả tốt, mà còn giảm ảnh hưởng đến cơ thể người bệnh. Người ta gọi đây là kĩ thuật phẫu thuật xâm nhập tối thiểu."
Công trình nghiên cứu, đề tài cấp Nhà nước của ông về việc ứng dụng phẫu thuật nội soi trong phẫu thuật ở bụng đã đạt giải Nhất của giải thưởng "Nhân tài đất Việt" vào năm 2019.
Là thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại, được ứng dụng từ những năm đầu của thập kỷ 90 tại Việt Nam, trải qua gần 30 năm phát triển, phẫu thuật nội soi đã thật sự mang lại một cuộc cách mạng trong lĩnh vực ngoại khoa.
Từ trường hợp cắt túi mật qua nội soi đầu tiên năm 1992, lĩnh vực phẫu thuật nội soi đã phát triển nhanh chóng, mang lại điều kỳ diệu cho ngành ngoại khoa với nhiều kỹ thuật mới như: phẫu thuật nội soi một lỗ, phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên, phẫu thuật nội soi 3D, phẫu thuật nội soi robot… góp phần nâng cao chất lượng điều trị, khẳng định vị thế ngành ngoại khoa nói riêng và y khoa Việt Nam nói chung đối với thế giới, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như tăng tốc độ hồi phục sức khỏe, tiết kiệm chi phí điều trị...
Những năm gần đây, GS.TS Trần Bình Giang đi sâu nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong các bệnh lý chuyên sâu, phức tạp như: phẫu thuật nội soi tạo hình thực quản, phẫu thuật nội soi một lỗ cắt ruột thừa, phẫu thuật nội soi một lỗ cắt túi mật, phẫu thuật nội soi cắt khối tá tụy, phẫu thuật nội soi điều trị bệnh béo phì…
Sáng tạo trong nghiên cứu kĩ thuật điều trị không phẫu thuật trong những chấn thương tạng
"Nghe có vẻ nghịch lý bởi tôi là một phẫu thuật viên. Nhưng cả cuộc đời làm nghề, tôi chỉ muốn dành những gì tốt nhất cho người bệnh của mình", GS.TS Trần Bình Giang chia sẻ.
Nghiên cứu khoa học của GS. Trần Bình Giang về mổ nội soi tuyến thượng thận đã được công bố quốc tế từ năm 2002. Cho đến nay, đã có hàng nghìn bệnh nhân được phẫu thuật nội soi và Bệnh viện Việt - Đức trở thành một trong những trung tâm hàng đầu trên thế giới về mổ tuyến thượng thận.
Một đóng góp khác mang ý nghĩa đặc biệt cho lĩnh vực y tế Việt Nam của GS.TS Trần Bình Giang là; điều trị bảo tồn vỡ các tạng. Trước đây, cứ vỡ gan, vỡ lá lách, vỡ thận là phải mổ. Với lá lách, chỉ hơi vỡ cũng phải tiến hành cắt bỏ vì sợ không cầm máu được, sẽ nguy hiểm tính mạng người bệnh.
Nhưng rồi, nghiên cứu các tài liệu trên thế giới, GS.TS Giang phát hiện: Gan, lá lách, thận đều có thể liền được, không cần phải mổ, do đó có thể điều trị bảo tồn. Phát hiện này vô cùng quan trọng, bởi việc giữ được các tạng rất quan trọng với sức khỏe, nhất là lá lách sản sinh ra các kháng thể chống lại bệnh tật.
Hiện nay, "với cách điều trị không mổ, có tới 90% bệnh nhân bị chấn thương trong các trường hợp trên sẽ không phải chịu các cuộc phẫu thuật như vậy nữa".
Nhờ thành quả nghiên cứu của GS.TS Trần Bình Giang, Việt Nam trở thành một trong các nước tiên phong thuộc nhóm các nước đang phát triển thực hiện thành công kĩ thuật mổ nội soi này; giúp Việt Nam tự hào ghi dấu ấn vào bản đồ y khoa thế giới.
Tin nổi bật
Tin Video