Tin tức

Việt Nam đón đợt rét mạnh nhất kể từ đợt rét kỷ lục năm 2016

(VOVTV) - Việt Nam sắp đón đợt rét mạnh nhất kể từ đợt rét kỷ lục tháng giêng năm 2016. Đây là thông tin được đưa ra tại buổi thông tin báo chí chiều 29/12 về đợt không khí lạnh và nhận định mùa đông năm 2020-2021 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.

Tác giả Quang Huy / VOV1
29/12/2020 19:06

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đợt không khí lạnh đang chuẩn bị ảnh hưởng nước ta có cường độ rất mạnh. Từ chiều tối nay 29/12 ảnh hưởng đến vùng núi Bắc Bộ, tối và đêm nay sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Từ ngày mai 30/12, không khí lạnh ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, sau đó ngày 31/12 tác động đến Tây Nguyên và Nam Bộ. 

Rét kỷ lục tương đương đợt rét năm 2016

Việt Nam đón đợt rét mạnh nhất kể từ đợt rét kỷ lục năm 2016 - Ảnh 1.

Bắc Bộ rét đậm trong những ngày sắp tới. Ảnh Hoàng Long

Đợt không khí lạnh này không chỉ gây giảm nhiệt mạnh trên đất liền và gây ra đợt rét đậm, rét hại thứ 2 của mùa đông năm nay với nguy cơ cao xảy ra băng giá ở các vùng núi cao mà còn gây gió rất mạnh đất liền cũng trên các vùng biển nước ta. 

So sánh với đợt rét kỳ lục năm 2016, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: "Cả 2 đợt đều có cường độ rất mạnh, tuy nhiên năm 2016 không khí lạnh mạnh kết hợp với cả hệ thống gió tây mạnh ở 5000m nên gây ra tình trạng rét ẩm, mưa tuyết xuất hiện nhiều nơi. Trong khi đó, đợt này chủ yếu là rét khô, ban đêm nhiệt độ xuống rất thấp, ban ngày có nắng nên cảm giác rét buốt không bằng năm 2016."

Về tình hình xu thế thời tiết tháng 1 năm 2021, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong tháng 1/2021, có khoảng 4-6 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta. Trong thời kỳ 20 ngày đầu tháng 01/2021 nền nhiệt độ ở các tỉnh phía Bắc có xu hướng giảm thấp và khả năng xảy ra nhiều ngày rét đậm, rét hại hơn so với trung bình nhiều năm. Các địa phương cần đề phòng hiện tượng băng giá, mưa tuyết tại vùng núi cao. 

Ông Nguyễn Văn Hưởng thông tin, năm nay sẽ có nhiều ngày xảy ra rét đậm rét hại diện rộng hơn so với trung bình nhiều năm. Khả năng xảy ra băng giá và mưa tuyết hay hiện tượng sương muối trong tháng 1 và tháng 2 của năm 2021 tương đối cao.

Cần chú ý các biện pháp giữ ấm cho người và gia súc, cây trồng

Việt Nam đón đợt rét mạnh nhất kể từ đợt rét kỷ lục năm 2016 - Ảnh 2.

Gia cố chuồng trại, đốt lửa sưởi ấm cho gia súc những ngày rét đậm rét hại. Ảnh: Vũ Lợi

Liên quan đến các biện pháp ứng phó với tình hình thời tiết rét đậm, rét hại có thể xảy ra trong thời gian tới, Tiến sỹ Ngô Tiền Giang, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ Khí tượng thủy văn khuyến cáo cần gia cố các các chuồng trại chăn nuôi gia súc kiên cố và bán kiên cố, đặc biệt là phía đón gió. Di chuyển, tập trung đàn gia súc đến các khu vực có thể che chắn. Đối với rau màu ngắn ngày nếu thu hoạch được thì phải thu hoạch ngay, các diện tích khác, sáng sớm nên phun qua nước giảm tác động khi mặt trời lên. 

TS Ngô Tiền Giang khuyến cáo bà con nông dân nên ra làm đồng muộn hơn và về sớm hơn, tranh thủ thời gian giữa trưa để giải quyết các công việc ngoài đồng. Các cơ sở du lịch, đặc biệt là vùng núi cao phía Bắc cần chuẩn bị phương án và khuyến cáo du khách về đợt rét này.

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày mai (30/12), ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời chuyển rét đậm, rét hại (trọng tâm rét hại tập trung ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái) với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 6-9 độ, vùng núi 3-6 độ, vùng núi cao dưới 0 độ và có khả năng cao xảy ra băng giá và sương muối./.

Ý kiến của bạn