Việt Nam có 6 món bún mới nghe tên thôi đã thấy độc lạ, toàn là đặc sản ngon nức tiếng chỉ người địa phương mới biết
Không chỉ sở hữu tên gọi kỳ lạ, loạt nguyên liệu và công thức tạo nên các món bún này cũng có thể khiến bạn bất ngờ đấy.
Một trong những món ăn có nhiều biến tấu nhất Việt Nam chính là các loại bún, mì. Bên cạnh những cái tên quá đỗi quen thuộc như bún riêu, bún bò, bún đậu… thì ở nhiều vùng địa phương, người ta còn chế biến và thưởng thức các món có tên gọi kỳ lạ, được xem là đặc sản ngon nức tiếng mà du khách khi đến đây không thể bỏ lỡ.
Bạn đã từng ăn qua món bún nào trong danh sách dưới đây chưa?
1. Bún cua thối
Món ăn với tên gọi có 1-0-2 này là đặc sản nổi tiếng của thành phố Pleiku (Gia Lai). Thành phần chủ chốt tạo nên hương vị độc đáo cho món ăn này chính là mắm cua đồng. Người ta sẽ dùng cua sống giã nhuyễn rồi lọc lấy nước, sau đó ủ qua 1 ngày đêm để chúng lên men và... bốc mùi thì mới mang đi chế biến. Cũng vì vậy mà phần nước dùng khi nấu xong có màu nâu đen độc đáo và hơi... khó ngửi.
Tô bún cua hoàn chỉnh là tổng thể hài hòa của thịt ba chỉ, da heo chiên, bánh phồng, nem chua, chả... và đặc biệt là trứng vịt. Nước dùng chan xăm xắp vừa đủ ngập phần ăn bên trong. Khi ăn, người ta thường trộn thêm một ít rau sống, vắt chanh, thêm ớt... cho đậm đà. Hương vị ban đầu có thể khiến nhiều người e dè nhưng nếu đã ăn quen thì sẽ rất dễ "nghiện".
2. Bún chìa
Bún chìa là món đặc sản vô cùng nổi tiếng của thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Món ăn này có phần nước dùng khá giống với bún bò Huế, nhưng sự khác biệt lại nằm ở nguyên liệu. Bún chìa được làm từ phần tảng thịt phía chân sau của con lợn. Món bún giò chìa được ăn kèm với rau sống, giúp thực khách cảm thấy ngon miệng và không bị ngán.
3. Bún gỏi dà
Món bún có tên gọi "hack não" này khá phổ biến ở một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là Sóc Trăng. Được biết, bún gỏi dà có xuất phát điểm là gỏi cuốn với các nguyên liệu quen thuộc như tôm, bún, rau, giá... Về sau, người ta cho tất cả nguyên liệu đó vào tô, trộn chung với nước chấm gỏi rồi ăn như "và" (lùa) cơm vào miệng. Người miền Nam thì quen phát âm chữ "và" thành "dà" nên món bún này mới có tên gọi độc đáo như vậy.
4. Bún kèn
Thực chất, từ "kèn" hay "khèn" được vay mượn từ đồng bào người Khmer, mang ý nghĩa "nấu bằng nước cốt dừa". Bún kèn vì thế chính là sự giao thoa tinh tế của vị ngọt cá đồng trong phần nước dùng béo ngậy và thơm mùi nước cốt dừa. Đây là đặc sản gắn liền với các địa danh như Châu Đốc (An Giang) và Rạch Giá - Phú Quốc (Kiên Giang).
5. Bún đũa
Nhìn gần giống bánh canh ở miền Nam nhưng món bún đũa Nam Định lại có sự khác biệt không thể lẫn. Sợi bún thường to cỡ đầu đũa, mềm nhưng săn chắc chứ không nhũn. Món này là sự kết hợp với riêu cua có vị ngọt đậm, nước dùng hơi chua, thơm dậy mùi của cua đồng, khi ăn thường được dùng kèm với rau sống để tăng thêm hương vị.
6. Bún bung
Bún bung là một món ăn dân dã của người Hà Nội và Thái Bình. Món này gồm "bún" (bún rối hoặc bún lá) và "bung" là một món nước dùng để chan, thường được nấu bằng sườn lợn, dọc mùng, mỡ nước, hành hoa, mẻ và các gia vị mắm muối. Ở Thái Bình, người ta thường nấu bún bung với hoa chuối nhiều hơn.
Tin nổi bật
Tin Video