Việt Nam chưa thực hiện 'visa vaccine Covid-19'
(VOVTV) - Tại cuộc họp chiều 12/3 ở trụ sở Chính phủ, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 khẳng định, Việt Nam chưa thực hiện “visa vaccine Covid-19”.
Theo thông tin tại cuộc họp, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chủ trì, hiện chỉ có các chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh và dù đã tiêm phòng Covid-19 vẫn phải tuân thủ cách ly y tế 14 ngày. Để có thể sẵn sàng thực hiện “visa vaccine Covid-19” nếu thấy cần thiết trong tương lai, Bộ Y tế đã có những bước chuẩn bị ban đầu và hệ thống kỹ thuật sẽ sẵn sàng trong tháng 4 tới.
Liên quan tới việc tiêm phòng vaccine, theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 8-11/3, 11 điểm tiêm chủng tại 9 tỉnh, thành phố đã tiêm vaccine Covid-19 cho gần 1.600 người, ghi nhận 410 trường hợp có phản ứng thông thường (chiếm gần 26%) chủ yếu tại điểm tiêm của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương và Bệnh viện Thanh Nhàn.
Có 11 trường hợp phản ứng sau tiêm ở mức độ nặng hơn như nổi mề đay, ngứa, phù mạch tại chỗ tiêm, trường hợp nặng nhất có biểu hiện khó thở, trường hợp này có tiền sử hen phế quản. Tất cả các trường hợp này đều ổn định sức khỏe trong vòng 1 ngày.
Về thông tin xảy ra một số phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine AstraZeneca ở một số nước châu Âu, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, lãnh đạo Bộ đã nghe báo cáo, phân tích của các nhà khoa học và đơn vị triển khai là Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
"Theo đó, những trường hợp gặp sự cố nghiêm trọng sau khi tiêm chủng không có sự liên quan đến vaccine AstraZeneca. Bộ Y tế khuyến cáo vẫn tiếp tục triển khai tiêm vaccine AstraZeneca. Bộ Y tế chỉ đạo hết sức chặt chẽ. Tiêm đến đâu bảo đảm an toàn đến đấy," Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định.
Tại cuộc họp, Bộ Y tế đã báo cáo tình hình tiến độ đàm phán, nhập khẩu vaccine thông qua con đường mua trực tiếp và thông qua chương trình hỗ trợ của Liên hợp quốc (Covac Facility).
Trước đó, Bộ Y tế được Chính phủ giao cho thẩm quyền và trách nhiệm trong việc đàm phán và ký kết với công ty nước ngoài để mua vaccine Covid-19. Trong bối cảnh lúc đầu Công ty nước ngoài yêu cầu đặt cọc tiền trước và phải chấp nhận rủi ro nếu việc nghiên cứu, thử nghiệm vaccine không thành công, Bộ Y tế đã lựa chọn Công ty cổ phần VNVC để ký kết mua vaccine của hãng Astra Geneca thông qua hình thức ký kết 3 bên.
117.600 liều vaccine đợt 1 mua theo hình thức trực tiếp này được bảo quản tại hệ thống kho lạnh của VNVC. Đợt 2 tới đây là vaccine mua thông qua chương trình hỗ trợ của Liên hợp quốc, dự kiến ngày 25/3 tới sẽ về đến Việt Nam và được bảo quản tại hệ thống tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Sau khi nghe ý kiến của đại diện Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề “visa vaccine Covid-19”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: “Hệ thống kỹ thuật của Việt Nam chưa cho phép thực hiện “visa vaccine”. Để có thể sẵn sàng thực hiện “visa vaccine” trong tương lai khi hiệu quả của vaccine được khẳng định trong thực tế, Bộ Y tế đã có những bước chuẩn bị ban đầu và hệ thống kỹ thuật sẽ sẵn sàng trong tháng 4 tới.”
Đến nay, đã ghi nhận 3 mẹ con trong 1 gia đình ở Hải Phòng nhập cảnh Astralia có kết quả dương tính với Covid-19. Theo Bộ Y tế, cả 3 người đều nhiễm biến thể virus nguồn gốc từ Châu Phi và không loại trừ trường hợp bị nhiễm virus trong thời gian quá cảnh tại Singapore.
Trước khi xuất cảnh 2 ngày, 3 người này đều có kết quả âm tính khi xét nghiệm tại Bệnh viện Medlatec. Trước thông tin vừa nêu, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại quy trình thực hiện xét nghiệm của cơ sở y tế này và khẩn trương báo cáo rõ về việc người xuất cảnh khi xét nghiệm trong nước có kết quả âm tính nhưng khi ra nước ngoài lại dương tính, kể cả trường hợp trước đó ở Hải Dương nhập cảnh vào Nhật Bản được phát hiện mắc Covid-19.
Tin nổi bật
Tin Video