Việt Nam cần làm gì khi biến chủng của nCoV lây lan trong cộng đồng?
Các chuyên gia nhận định tình hình dịch Covid-19 tại Hải Dương, Quảng Ninh khá nghiêm trọng khi virus lây lan trong cộng đồng và bệnh nhân di chuyển nhiều.
Chỉ trong 2 ngày, Bộ Y tế đã công bố 93 bệnh nhân Covid-19 trong cộng đồng tại 5 tỉnh, thành gồm Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh và Hà Nội. Đây được đánh giá là ổ dịch lớn nhất phát hiện trong cộng đồng từ trước đến nay. Chia sẻ với PV, các chuyên gia nhận định tình hình dịch tại các tỉnh này có mức độ lây lan cao, khả năng virus đã tồn tại lâu trong cộng đồng.
Biến chủng SARS-CoV-2 tại Hải Dương nguy hiểm thế nào?
Trong cuộc họp tại Bộ Y tế chiều 28/1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định chủng mới lây lan rất nhanh. Trong đợt bùng phát ở Đà Nẵng, sau nhiều ngày, chúng ta mới biết đó là biến chủng virus khác, khi đó, dịch đã lây lan nhiều vòng.
Còn ở Chí Linh, Hải Dương, các chuyên gia đánh giá virus có thể đã tồn tại trong cộng đồng tối thiểu 10 ngày. Tuy nhiên, chủng virus này lây lan nhanh hơn nhiều, có thể 3 ngày hết một vòng lây nhiễm. Dự kiến, 4 vòng lây nhiễm đã xảy ra ở địa phương này.
“Chắc chắn phong tỏa là bất tiện vô cùng, nhưng khi chúng ta có thể kiểm soát tốt thì có thể quay lại bình thường. Nếu không kiên quyết từ đầu, ngại khó, ngại khổ, sẽ không lường được hậu quả”, ông Đam nhấn mạnh.
Phó thủ tướng khuyến cáo chủng virus này lây rất nhanh. Do đó, Hải Dương cũng như các tỉnh, thành khác phải giữ chặt hệ thống y tế và bệnh nhân nền, tuyệt đối không để như Đà Nẵng.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, cho hay hiện dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp trên thế giới. Nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp chặt chẽ song vẫn bùng dịch trong nước.
Tại nước ta, sau thời gian dài không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, chúng ta đã ghi nhận 2 ổ dịch mới tại Hải Dương và Quảng Ninh. Sau đó, các tỉnh, thành khác cũng ghi nhận ca bệnh, đều có mối liên hệ với 2 địa phương này.
Theo ông Phu, đây là các ca lây nhiễm trong cộng đồng và với số lượng ca mắc lớn nhất từ trước tới nay. Tình hình dịch hiện tại được đánh giá là phức tạp. Chúng ta chưa xác định được nguồn lây của các bệnh nhân Covid-19.
Đặc biệt, đặc trưng của Covid-19 là nhiều người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng. "Có thể có ca nhiễm nhưng chưa được phát hiện, từ đó vẫn tồn tại khả năng lây lan", ông Phu cho hay.
Theo chuyên gia này, hiện tại, nguồn lây của ca bệnh ở Hải Dương được Nhật Bản giải trình tự gene và cho kết quả nhiễm biến chủng SARS-CoV-2 của Anh. Với ca bệnh ở Quảng Ninh, chúng ta cũng phải tìm hiểu chủng virus của người này.
"Nếu những người này nhiễm biến chủng mới, các biện pháp ngăn chặn dịch phải được thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn vì lây lan rất nhanh", ông Phu nói.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), cho biết chủng mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh có khả năng lây truyền mạnh hơn rất nhiều lần so với chủng virus trước đây. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy chúng có sự gia tăng độc lực.
“Chủng virus mới ở Anh có khả năng bám chặt vật chủ, khả năng nhiễm bệnh cũng như lây truyền sớm hơn dù người bệnh có tải lượng virus thấp. Chẳng hạn, chủng SARS-CoV-2 trước đây mất 5-6 ngày để có khả năng lây bệnh, chủng mới tại Anh chỉ mất 3 ngày là hết vòng lây nhiễm. Trong khi chúng ta chưa xác định F0, không loại trừ khả năng đã có số lượng không nhỏ trong cộng đồng nhiễm bệnh. Điều này đặt vấn đề rất lớn trong việc truy vết”, tiến sĩ Hùng nhận định.
Truy vết thần tốc đến F3
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), nhận định trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam khó tránh khỏi sự xâm nhập của SARS-CoV-2 chủng mới. Nguy cơ này có thể đến từ mọi nguồn, bao gồm ở sân bay, nguồn nhập cảnh trái phép, khu cách ly.
Hiện các nước châu Á gần Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc đã ghi nhận người nhiễm chủng mới này. Việt Nam không thể tránh khỏi.
“Vấn đề truy vết, cách ly, xét nghiệm thần tốc lúc này cần phải làm nhanh hơn bao giờ hết”, bác sĩ Khanh nói.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định tình hình tại 2 ổ dịch có thể chuyến biến phức tạp hơn nếu virus SARS-CoV-2 tại đây là biến chủng mới.
Chuyên gia này nhận định sự lây nhiễm ở Hải Dương, Quảng Ninh khá nguy hiểm vì đối tượng mắc Covid-19 là người trẻ tuổi, quá trình đi lại, tiếp xúc trong cộng đồng lớn nên rất khó kiểm soát.
Do đó, tất cả người tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh cần được truy vết, cách ly y tế tập trung. Để kiểm soát, chúng ta có thể lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng đến F3. Tại cơ sở y tế, tất cả người có tiền sử dịch tễ, có biểu hiện mắc bệnh đường hô hấp cũng cần được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
“Số người lây nhiễm được phát hiện nhiều nghĩa là virus có thể tồn tại khá lâu trong cộng đồng. Chúng ta cần truy vết thần tốc. Đặc biệt, người dân lúc này cần tuân thủ tuyệt đối quy định 5K của Bộ Y tế”, ông Nga nói.
Bác sĩ Khanh chia sẻ thêm: “Dù muốn hay không, sự thật là chúng ta đã phát hiện ca bệnh lây lan trong cộng đồng. Song song với việc ngành y tế sẽ tăng cường truy vết thần tốc với tất cả trường hợp tiếp xúc gần đến F3, người dân cần tuân thủ quy định phòng, chống dịch Covid-19. Tại vùng dịch và người tiếp xúc với trường hợp có yếu tố dịch tễ, ai ở đâu ở yên tại đó để bảo vệ bản thân, đặc biệt, bảo vệ người lớn tuổi, khu điều trị bệnh nặng tại cơ sở y tế".
Không cần thiết tìm F0
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, về ca bệnh 1553 ở Quảng Ninh là nhân viên cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, người này có thể lây nhiễm do không tuân thủ quy định phòng, chống dịch Covid-19 khi làm nhiệm vụ vận chuyển người cách ly.
Ngoài ra, chuyên gia này nhận định có thể do bệnh nhân lây nhiễm trong quá trình làm việc, tiếp xúc tại sân bay. Sân bay quốc tế là môi trường nhạy cảm, có nguy cơ cao do tập trung nhiều người nước ngoài. Bệnh nhân này khả năng là F0 do có nguồn lây từ sân bay.
“Trong tình hình hiện tại, chúng ta có thể thực hiện truy vết F0 nhưng tìm được thì tốt, không thì thôi. Vì nếu lặp lại kịch bản như đợt dịch tại Đà Nẵng, F0 có thể lây nhiễm cho nhiều người và đã khỏi bệnh. Lúc này, chúng ta xem tất cả bệnh nhân mắc mới là F0 và từ đó truy ra các F1, F2 và thậm chí là phải vây đến cả F3. Dù là F mấy, người dân phải hạn chế tiếp xúc và mang khẩu trang”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo nhận định ban đầu của bác sĩ Khanh, cô gái ở Hải Dương được xác định dương tính tại Nhật Bản không phải là F0 của ổ dịch này.
"Bệnh nhân này có khả năng nhiễm SARS-CoV-2 tại Hải Dương trước khi xuất cảnh. Do vừa ủ bệnh, người này chưa được phát hiện dương tính ở Việt Nam. Khi đến Nhật Bản, cô mới có kết quả dương tính do nồng độ virus đủ lớn. Yếu tố sai sót trong xét nghiệm có thể xảy ra nhưng khá hiếm. Do đó, bệnh nhân này không phải người lây nhiễm cho các ca mắc mới đây tại Hải Dương và càng không thể là F0", ông nói.
Phó giáo sư Phu đề nghị người dân phải nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan. Người dân cần thực hiện đủ 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế, để không lây nhiễm virus này.
"Chúng ta không được chủ quan song cũng không nên quá hoang mang. Việt Nam có kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 và ngăn chặn tốt các ổ dịch trước đây. Tôi cho rằng người dân nên bình tĩnh, tin vào chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế cũng như các ban ngành khác", ông Phu nói thêm.