Kinh doanh

Việt kiều Australia tiên phong phát triển ngành gia công phần mềm Việt Nam

(VOVTV) - Nước Việt đã ghi danh trên bản đồ tín nhiệm về gia công phần mềm thế giới nhưng ít ai biết rằng một trong số những người tiên phong mang về những hợp đồng gia công phần mềm đầu tiên cho các kỹ sư Việt Nam chính là ông Nguyễn Hữu Lệ, một Việt kiều Australia, Chủ tịch Hội đồng Tập đoàn Công nghệ TMA - TMA Technology Group.

Tác giả Việt Nga / VOV Australia
24/05/2022 15:47

Năm 1967, cậu học trò Nguyễn Hữu Lệ của làng quê nghèo Phù Mỹ, Bình Định tốt nghiệp Tú tài Hạng Ưu và được cấp học bổng toàn phần Colombo Plan để theo học tại Đại học Adelaide, bang Nam Australia.

Năm 1972, ông tiếp tục xuất sắc giành tấm bằng Cử nhân Hạng Ưu (First Class) ngành Kỹ sư Điện và chỉ ba năm sau, ông đạt học vị Tiến sĩ chuyên ngành Điện tử Viễn thông cũng từ Đại học Adelaide. Sau đó làm giảng viên (Senior Teaching Fellow) đến cuối năm 1977 lúc ông rời Australia sang Canada để làm việc cho Công ty Bell-Northern Research (BNR), về sau là Nortel Technology.

Người Việt kiều Australia tiên phong phát triển ngành gia công phần mềm Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Lệ Chủ tịch Hội đồng Tập đoàn Công nghệ TMA - TMA Technology Group. Nguồn: VOV

Mười năm học tập và làm việc tại Australia chính là bệ phóng vững chắc để Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ nuôi dưỡng và hiện thực hóa những ước mơ, tầm nhìn của mình trong lĩnh vực công nghệ và cho sự phát triển của Việt Nam.

Từ trước đó và trong suốt thời gian làm việc tại Nortel ở Canada, Tiến sĩ Lệ luôn ấp ủ ý định trở về Việt Nam. Cơ hội đầu tiên đến vào năm 1992 khi ông đang làm giám đốc BNR Nhật Bản và được mời tham gia phái đoàn thương mại của Canada tới Việt Nam. Sau 25 năm xa quê, đây chính là lần đầu ông được “về nhà.”

Chuyến đi này giúp ông khẳng định chắc chắn tình cảm yêu mến và gắn bó giữa bản thân với quê mẹ, mặt khác ông cũng nhận thấy được tiềm năng phát triển của quê hương, để từ đó xây dựng con đường trở về Việt Nam cho chính mình. 

Không lâu sau chuyến đi nói trên, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ được bổ nhiệm làm Giám đốc Tiếp thị Vùng Châu Á của Nortel, bao gồm việc quán xuyến thị trường Việt Nam. Ông Lệ chính là người thành lập văn phòng đầu tiên của Nortel trên phố Bà Triệu, Hà Nội vào đầu năm 1993.

Người Việt kiều Australia tiên phong phát triển ngành gia công phần mềm Việt Nam - Ảnh 2.

A_Trung tâm phần mềm TMA. Nguồn TMA

Năm 1997, ông Lệ tư vấn cho một người bạn cũ thành lập công ty TMA Solutions chuyên về gia công phần mềm sau khi một đồng nghiệp cũ tại Canada đề nghị ông giới thiệu đơn vị phù hợp tại Việt Nam đủ năng lực cho việc hợp tác xuyên biên giới. Tiến sĩ Lệ luôn giữ niềm tin mãnh liệt về năng lực, trí tuệ, sự cần cù và sáng tạo của người Việt, qua đó nhanh chóng chớp lấy thời cơ khi nhận thấy nhu cầu và sự quan tâm về nhân lực công nghệ thông tin từ Việt Nam.

Sau khi được thành lập vào giữa năm 1997, TMA đề nghị làm một dự án không công cho đối tác nước ngoài đầu tiên. Dự án được bắt đầu vào tháng 10/1997 với kế hoạch hoàn thành trong 6 tháng. Đặc biệt sau 3 đầu tháng hợp tác, khách hàng nhận thấy có tiến triển tốt nên đã quyết định trả chi phí cho công ty. Và như vậy, TMA trở thành công ty Việt Nam đầu tiên gia công phần mềm cho nước ngoài từ năm 1997.

Đến nay, sau 25 năm phát triển, TMA đã khẳng định chỗ đứng là một trong những công ty gia công phần mềm hàng đầu của Việt Nam với hơn 3,500 kỹ sư, cung cấp dịch vụ và giải pháp công nghệ cho đối tác tại 30 quốc gia trên thế giới, ở khắp 4 châu lục, trong đó có Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, Úc, và New Zealand. 

Thế mạnh của TMA nằm ở lĩnh vực phát triển ứng dụng, phổ quát mạng viễn thông 5G, thử nghiệm công nghệ cho xe ô-tô, thử nghiệm và phát triển phần mềm tài chính, bảo hiểm, thương mại điện tử, bán lẻ, phân phối và phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, máy học...

Người Việt kiều Australia tiên phong phát triển ngành gia công phần mềm Việt Nam - Ảnh 3.

Công viên Sáng tạo TMA tại Quy Nhơn, Bình Định. Nguồn TMA

Gia công phần mềm là bước đi đầu tiên của TMA. Ngày nay, TMA Technology Group là tổ hợp của TMA Solutions, TMA Innovation, và TMA Bình Định. Tập đoàn đã mở rộng sang mảng sáng tạo sản phẩm và cung cấp giải pháp, nổi bật với sự thành lập của TMA InnovationPark là một công viên đa ngành tại Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn, trên chính quê hương Bình Định của ông Lệ.

Riêng tại Australia, TMA khai trương văn phòng đầu tiên tại Melbourne vào năm 2010 và mở chi nhánh mới ở Adelaide năm 2021. Như vậy tại Australia, TMA đang hoạt động với hơn 500 kỹ sư, hỗ trợ cho 40 đối tác khách hàng. Mặc dù Australia không phải là thị trường lớn nhất của TMA nhưng ông Lệ vẫn đánh giá cao nơi đây khi nói đến tính ổn định và tăng trưởng đều. 

Trong bối cảnh Australia đang thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin trầm trọng, TMA tin tưởng sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa tại lục địa này.

Ý kiến của bạn