Đời sống

Viêm da cơ địa - Nỗi ám ảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro

(VOVTV) - Bệnh viêm da cơ địa (Atopic Dermatitis-AD) hay còn gọi là bệnh chàm thể tạng, eczema,… Đây là bệnh lý biểu hiện cấp tính, bán cấp hoặc mãn tính. Bệnh rất hay tái phát khi có điều kiện thuận lợi.

Tác giả PV / VOVTV
29/03/2021 15:43

Đa số trường hợp bệnh bắt đầu ở tuổi ấu thơ, da khô kèm theo ngứa. Do ngứa gãi nhiều mà da bị dày, bệnh nhân càng ngứa và gãi gây nên vòng bệnh lý luẩn quẩn khiến cho bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi khuẩn.

Các yếu tố khiến bệnh khởi phát

Các yếu tố làm bệnh khởi phát và nặng lên bao gồm: Các dị nguyên trong không khí như các chất thải của rệp nhà, len dạ...; Ngoại độc tố của tụ cầu trùng vàng (Staphylococus aureus) đóng vai trò siêu kháng nguyên kích thích hoạt hóa T limphô và đại thực bào; Dị ứng nguyên nội sinh (endogenous antigens), trong huyết thanh bệnh nhân có kháng thể IgE có thể kích thích IgE hoặc lympho T.

Bệnh cũng có thể khởi phát bởi yếu tố thức ăn. Một số thức ăn cũng có thể làm vượng bệnh như trứng, sữa, lạc, đậu tương, cá, bột mỳ…

Một số yếu tố khác làm phát bệnh hoặc bệnh nặng lên, đó là giảm chức năng của hàng rào bảo vệ của da cùng với giảm lớp ceramic trên bề mặt da làm cho da dễ bị mất nước gây khô da.

‎Mùa hay bị bệnh thường vào mùa thu đông, nhẹ vào mùa hè.

Các dấu hiệu nào để ta nghĩ đến viêm da cơ địa

Bệnh thường khởi phát qua hai giai đoạn cấp tính và mạn tính.

Giai đoạn cấp tính

Tổn thương là đám da đỏ ranh giới không rõ, các sẩn và đám sẩn, mụn nước tiết dịch, không có vẩy da.

Da bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết. Các vết xước do gãi tạo vết chợt, bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ và vẩy tiết vàng.

Tổn thường khu trú ở trán, má, cằm, nặng hơn có thể lan ra tay, thân mình.

Giai đoạn mạn tính

Tổn thương mạn tính da dày thâm, ranh giới rõ, liken hoá, các vết nứt đau. Đây là hậu quả của việc bệnh nhân ngứa gãi nhiều gây thương tổn mạn tính và thâm nhiễm viêm.

Tổn thương hay gặp ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, bàn chân, các ngón, cổ, gáy, cổ tay, cẳng chân.

Bệnh viêm da cơ địa - Ảnh 1.

Viêm da cơ địa gây da quá khô và dễ bị kích thích

Tiêu chuẩn chẩn đoán của viêm da cơ địa là gì?

Hiện nay việc chẩn đoán viêm da cơ địa đa số sử dụng tiêu chuẩn của Hanifin và Rajka (1980). Để chẩn đoán là viêm da cơ địa cần có ít nhất 3 tiêu chuẩn chính và ít nhất 3 tiêu chuẩn phụ.

Bốn tiêu chuẩn chính gồm: Tổn thương da ngứa (Itching); Viêm da mãn tính và tái phát (Chronic or chronically relapsing dermatitis); Hình thái và vị trí thương tổn điển hình (Typical distribution and morphology of AD rash); Với trẻ em là tổn thương khu trú ở mặt, vùng duỗi; Với người lớn là dày da, Lichen vùng nếp gấp.

Tiền sử cá nhân hoặc gia đình có bệnh cơ địa dị ứng (Personal or family history of atopic diseases) như hen, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa.

Các tiêu chuẩn phụ gồm: Khô da (Dry skin); Viêm môi (cheilitis); Đục thủy tinh thể (Anterior subcapsular cataract); Viêm kết mạc mắt và kích thích ở mắt tái phát; Mặt bị đỏ, tái; Dị ứng thức ăn (Food intolerance); Chàm ở bàn tay (Hand eczema); IgE tăng (Elevated IgE levels); Phản ứng da tức thì týp 1 dương tính (Immediate skin test type 1 reactivity); Dễ bị nhiễm trùng da và hay tái phát; Ngứa khi ra mồ hôi (Itching on sweating); Vẩy phấn trắng (Pityriasis alba); Chứng vẽ nổi (Dermographism); Giác mạc hình chóp (Keratoconus); Các thương tổn khác giống dày sừng nang lông (Other like Keratosis Pilaris); Tuổi phát bệnh sớm; Chàm núm vú; Nếp dưới mắt Dennie- Morgan; Quầng thâm quanh mắt.

Cách điều trị bệnh viêm da cơ địa

Giải thích cho người bệnh tránh chà xát, và hạn chế gãi. ‎Loại trừ và tránh các chất gây dị ứng như đề cập ở trên.

Dùng các thuốc bôi, thuốc uống chống ngứa cho bệnh nhân. Việc dùng kem dưỡng ẩm rất cần thiết, vì kem có tác dụng chống khô da và có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát. Kem dưỡng ẩm phải được sử dụng hàng ngày và dùng lâu dài sau khi triệu chứng đã được cải thiện.

Với trẻ nhỏ cần khuyên bố mẹ bệnh nhân không dùng đồ len dạ trực tiếp vào da của trẻ (bởi hiện tượng tích điện khi chà xát của đồ len dạ khiến cho sự phân cực xảy ra trên bề mặt da của bệnh nhi). Bố mẹ và những người chăm sóc trẻ cũng cần tránh dùng đồ len dạ khi tiếp xúc với trẻ.

Điều trị viêm da cơ địa cần rất cẩn trọng, có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa thày thuốc và người bệnh, đối với trẻ nhỏ là bố mẹ bệnh nhân. Đặc biệt, không nên tự ý dùng những chế phẩm có corticoid để điều trị.

Bs. Lương Hoài Linh

Ý kiến của bạn