Vị trí xây dựng hồ Ka Pét là phương án tối ưu cả kinh tế lẫn kỹ thuật
(VOVTV) - Chiều 7/9, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo thông tin về chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét (dự án hồ Ka Pét) thuộc địa bàn huyện Hàm Thuận Nam.
Tại buổi họp báo, đại diện đơn vị tư vấn (Viện Đào tạo và Khoa học ứng dụng Miền Trung) cho biết, dự án hồ Ka Pét có 2 phương án chọn vị trí để xây dựng lòng hồ chứa.
Cụ thể, phương án 1, có lưu vực sinh thuỷ lớn (136 km2) nên nguồn nước dồi dào hơn. Nhưng khi xây dựng hồ tại vị trí này thì toàn bộ khu canh tác 127 ha của đồng bào dân tộc thiểu số xã Mỹ Thạnh (đây là khu canh tác sản xuất chính của bà con), cầu Ba Bích (xây dựng trước dự án) và 3,5 km đường QL.1A - Mỹ Thạnh sẽ bị ngập trong lòng hồ. Do vậy cần làm đoạn đường tránh đi theo ven lòng hồ phía Đông có chiều dài khoảng 7,5km.
Ngoài ra, phương án này còn làm ngập khoảng 620 ha đất rừng (trong đó có khoảng 25ha rừng đặc dụng, còn lại là rừng sản xuất). Mặt khác, để tạo ra được hồ có dung tích trên 51 triệu m3 thì phải xây dựng tuyến đập dài 550m và chiều cao đập tới 32m nên chi phí đầu tư sẽ rất lớn.
Trong khi đó, phương án 2 (phương án chọn) thì có lưu vực sinh thuỷ 95,5km2, để tạo ra được hồ có dung tích trên 51 triệu m3 thì chiều dài tuyến đập chỉ khoảng 179m và chiều cao đập khoảng 28,5m. Ưu điểm vượt trội của phương án này là không gây ngập khu đất canh tác 127ha của đồng bào xã Mỹ Thạnh, không ảnh hưởng đến cầu Bà Bích và đường QL.1A - Mỹ Thạnh.
Do tuyến đập chính ngắn hơn, chiều cao thấp hơn, không phải đền bù đất nông nghiệp và không phải làm đoạn đường tránh nên chi phí thấp hơn nhiều so với phương án 1. Chỉ có nhược điểm lớn nhất là gây ngập hơn 618 ha đất rừng (trong đó có khoảng 137,95 ha rừng đặc dụng, 0,51 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất và quy hoạch ngoài 3 loại rừng).
Vị trí tuyến lựa chọn xây dựng hiện nay cũng là vị trí đã được xem xét nghiên cứu kỹ lưỡng của đơn vị Tư vấn thiết kế cùng với các cơ quan, đơn vị chuyên môn như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Viện khoa học Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận,...
Vì vậy, việc chọn phương án 2 làm vị trí xây dựng hồ chứa nước Ka Pét là phù hợp với các quy hoạch hiện nay, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân địa phương. Đồng thời đây cũng là phương án tối ưu cả kinh tế lẫn kỹ thuật.
Còn riêng đối với công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án (ĐTM), Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận (gọi tắt là Ban QLDA Nông nghiệp tỉnh – đơn vị được giao làm chủ đầu tư) cho biết, đang phối hợp với đơn vị tư vấn để tổ chức lập lại hồ sơ theo quy định tại Nghị định số 08, ngày 10/01/2022 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Ngọc Đông, Phó Giám đốc Ban QLDA Nông nghiệp tỉnh Bình Thuận cho biết, theo Nghị định số 08 này có 2 vấn đề cần giải quyết, đó là đánh giá một số yếu tố rủi ro của dự án ảnh hưởng đến dự án sau này, cho nên cần bổ sung thêm tài liệu đó là sự cố vỡ đập ảnh hưởng vùng hạ du công trình.
"Đối với dự án hồ Ka Pét thì có tác động vào rừng của khu bảo tồn từ 1ha trở lên thì chúng ta phải đánh giá cái đa dạng sinh học. Hiện nay dự án hồ Ka Pét liên quan đến Khu bảo tồn Núi Ông, nên cần bổ sung một chuyên ngành liên quan đến đa dạng sinh học của dự án. Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện sớm nhất 2 chuyên đề mới yêu cầu theo Nghị định 08 để hoàn chỉnh toàn bộ tất cả các nội dung của đánh giá tác động môi trường đối với dự án hồ Ka Pét," ông Đông nói.
Dự án có tổng mức đầu tư trên 874 tỷ đồng. Dự kiến sẽ khởi công vào quý II năm 2024 và hoàn thành vào cuối 2025. Hồ Ka Pét hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II với 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cấp nước sinh hoạt cho khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết.../.
Tin nổi bật
Tin Video