Vì sao phim Việt đầu năm 2021 lụn bại tại phòng vé?
Ra mắt khán giả tại thời điểm khan hiếm bom tấn ngoại, “Cậu Vàng” và “Sám hối” đều có doanh thu bết bát, sớm rời khỏi các rạp chiếu phim.
Mùa phim Tết Nguyên đán 2021 hứa hẹn bùng nổ với loạt tác phẩm hấp dẫn gồm Bố già, Lật mặt: 48h, Trạng Tí và Gái già lắm chiêu V. Tuy nhiên, trước bữa đại tiệc, điện ảnh Việt Nam chứng kiến nhiều cú ngã ngựa tại phòng vé trong những ngày đầu tháng 1.
Lần lượt Cậu Vàng, Sám hối và Em là của em không thể ghi dấu ấn tại phòng vé. Trong đó, có tác phẩm thậm chí gây lỗ hàng chục tỷ đồng.
Ý tưởng chưa đủ cuốn hút
Khởi chiếu hôm 8/1, Cậu Vàng lấy cảm hứng từ truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Phim xoay quanh cuộc đời khốn cùng của lão Hạc (Viết Liên) khi con trai đi phu đồn điền cao su không biết ngày về. Do sự áp bức của giới địa chủ thời trước năm 1945, lão đành phải cắn răng bán đi chú chó cưng, rồi mua thuốc chuột về tự sát để giữ mảnh vườn lại cho con.
Với câu chuyện quen thuộc từ sách Ngữ văn của nhiều thế hệ học sinh, đạo diễn Trần Vũ Thủy đã đưa chú chó Vàng trở thành nhân vật tựa đề, đồng thời thêm thắt nhiều tuyến nhân vật để tạo sự mới lạ. Dự án được đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng bối cảnh làng quê vùng Bắc Bộ những năm đầu thập niên 1940.
Song, chất liệu văn học hiện thực thời kỳ trước vốn khô khan và kén khách. Nội dung đặc trưng khiến Cậu Vàng thiếu hẳn yếu tố giải trí để lôi kéo khán giả trẻ tuổi. Phim sở hữu dàn diễn viên gồm nhiều cái tên lớn tuổi, còn Will hay Băng Di thì chưa phải là bảo chứng phòng vé.
Giống với Cậu Vàng, Sám hối lấy đề tài quyền Anh vốn kén khách tại Việt Nam. Bộ phim khởi chiếu từ 15/1 xoay quanh nhà vô địch Hoàng Minh Long (Bình Minh). Anh chấp nhận những trận đấu dàn xếp và làm đủ mức nghề chỉ để có tiền cứu con gái bị bệnh nặng.
Đây là câu chuyện quen thuộc từng xuất hiện trong nhiều tác phẩm hạng B đến từ các nền điện ảnh khác nhau trên thế giới. Không những thế, Bình Minh hay Anh Thư là những cái tên lâu rồi mới tái xuất nên không còn nhiều sức nặng tại phòng vé.
Cuối cùng, Em là của em có chút khá hơn khi kể câu chuyện chàng diễn viên nghiệp dư Hoàng (Ngô Kiến Huy) giả gái để tán tỉnh người chị của bạn thân. Song, phần nội dung này lại tương đồng với 2 trong 1 (2006) hay Cưới ngay kẻo lỡ (2012). Thực tế, nội dung phim còn được lấy cảm hứng từ Yêu bằng cả trái tim của Hàn Quốc cách đây 23 năm.
Tuy nhiên, ngoài chuyện “Ngô Kiến Huy giả gái”, phim không mang đến bất cứ điểm mới lạ nào. Chi tiết “nam cải nữ” cũng đã quá quen thuộc khi bị khai thác đến mức nhàm chán. Toàn bộ sức nặng của tác phẩm đổ dồn lên giọng ca Giả vờ yêu, trong khi Maya, Hoàng Phi hay Khả Như đều tỏ ra kém sức hút.
Chất lượng trung bình
Bên cạnh ý tưởng, bản thân nội dung của ba tác phẩm kể trên đều ở mức trung bình, thậm chí ở mức thấp hơn. Cậu Vàng vốn được viết tiếp từ ý tưởng của cố NSND Bùi Cường - người từng thành công với vai Chí Phèo trong Làng Vũ Đại ngày ấy (1982). Điều này lý giải vì sao phim có Bá Kiến (NSƯT Hữu Châu) hay hình tượng Binh Tư (Phương Nam) khá giống Chí Phèo.
Song, đạo diễn Trần Vũ Thủy đưa bộ phim đi quá xa so với nguyên tác nhưng lại quên đi tính thuyết phục. Bối cảnh phim trông giả tạo, không phù hợp với thời điểm nạn đói hoành hành trước Cách mạng Tháng Tám. Từ tạo hình nhân vật cho tới hành động hội hè, trêu ghẹo nhau của các đôi nam nữ chẳng hề ra dáng nghèo khổ.
Không những thế, cả cậu Vàng lẫn lão Hạc rốt cuộc đều bị biến thành nhân vật thứ chính và xuất hiện ít ỏi. Hầu hết thời lượng phim là những màn đấu đá giữa các bà vợ trong nhà Bá Kiến hay hành trình chạy trốn với tình cũ một cách khó hiểu của bà Ba (Băng Di). Hậu quả, tác phẩm chẳng để lại chút giá trị nghệ thuật hay giải trí nào.
Sám hối thất bại khi phần kịch bản phi lý và đầy lỗ hổng. Ngay từ đầu, tác phẩm gây khó hiểu khi trận đấu trị giá 200 tỷ đồng dễ dàng để một khán giả nhí chạy lên võ đài. Được mô tả là nhà vô địch kiếm được hàng chục tỷ đồng, Long nhanh chóng tán gia bại sản chỉ một thời gian ngắn sau khi con gái lâm bệnh.
Phim xây dựng hàng loạt mâu thuẫn gượng gạo để đẩy Long xuống đáy xã hội, rồi lại giải quyết chúng một cách hời hợt không kém. Sám hối quảng bá mạnh ở phần bối cảnh, hành động, nhưng những gì đọng lại chủ yếu là những phân đoạn quay chậm (slow motion) nhàm chán.
Những trận đánh võ đài bị cắt ghép tan nát nên chẳng tạo ra nổi sự kịch tính. Với yếu tố hành động ít ỏi, phần lớn thời lượng phim lại là những màn câu nước mắt chậm chạp đúng kiểu Ấn Độ. Song, người xem cũng chẳng thể cảm thấy cảm động là bao trước một câu chuyện thiếu chiều sâu.
Ở hướng ngược lại, Em là của em vì quá tham tiếng cười mà để lộ ra nhiều hạt sạn. Chi tiết giả gái để tiếp cận người trong mộng của Hoàng tỏ ra thiếu thuyết phục và được giải quyết khá dễ dàng.
Phim ôm đồm trong việc xây dựng nhiều tuyến nhân vật phụ, còn các tình tiết bị kéo dài lê thê chỉ nhằm mục đích tấu hài. Rốt cuộc, mọi thứ không được phát triển đến nơi đến chốn, còn cảm xúc và tính cách nhân vật đều dừng lại ở mức lửng lơ.
Chiến dịch truyền thông gặp vấn đề
Trong số ba tác phẩm, Cậu Vàng có khâu quảng bá đầy sóng gió. Ngay từ đầu, phim đã bị phản đối khi xuất hiện tin ê-kíp chọn giống chó Nhật Bản là Shiba Inu đóng vai chính. Đạo diễn Trần Vũ Thủy tổ chức tuyển chọn chó công khai, nhưng kết quả rốt cuộc đâu lại vào đấy. Không những thế, ê-kíp còn đưa ra phát ngôn gây phẫn nộ với số đông rằng chó ta không đủ thông minh để đóng phim.
Trước việc bị lên án mạnh mẽ, trang chính thức của bộ phim trên mạng xã hội lại có hành động “đi vào lòng đất” là hạ nhục, coi thường khán giả. Điều này dẫn đến làn sóng tẩy chay Cậu Vàng trên khắp các diễn đàn, hội nhóm liên quan đến điện ảnh. Mọi nỗ lực cứu vãn của ê-kíp rốt cuộc bị nhấn chìm vì một vài phát ngôn phản cảm.
Với doanh thu chưa thể chạm mốc 5 tỷ đồng, Cậu Vàng là bộ phim thất thu đầu tiên trong năm nay của điện ảnh Việt Nam với con số lỗ được cho là 20 tỷ đồng.
Hai tác phẩm còn lại là Sám hối và Em là của em cũng có chiến dịch truyền thông không thật sự như ý. Cả hai đều không đưa ra được thế mạnh của mình so với đối thủ và hoàn toàn chìm nghỉm trước Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử vốn ra rạp từ mùa Giáng sinh.
Trong đó, Sám hối được cho là có kinh phí sản xuất lên tới 50 tỷ đồng, nhưng mới chỉ mang về khoảng trên dưới 1 tỷ đồng. Giờ đây, bộ phim chỉ còn biết tìm cách gỡ gạc tại thị trường Ấn Độ - quê hương của đạo diễn Peter Hein và là nơi tác phẩm sẽ ra mắt phiên bản dài hơn.
Tin nổi bật
Tin Video