Vì sao phần lớn bệnh nhân Lupus ban đỏ hệ thống phát hiện muộn?
(VOVTV) - Lupus ban đỏ thường bị chẩn đoán nhầm, không tìm đúng căn nguyên, dẫn tới phát hiện muộn, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.
Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn mạn tính, không rõ nguyên nhân, gây tổn thương hầu hết các hệ cơ quan trong cơ thể và trong trường hợp nặng, có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Trong khi đó bệnh này thường bị chẩn đoán nhầm, không tìm đúng căn nguyên là do Lupus ban đỏ, dẫn tới phát hiện muộn, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.
Chị Thu - người bị mắc Lupus ban bỏ nhưng không biết, trong 3 năm đã phải nhập viện cấp cứu 2 lần vì bị tan máu, tiểu cầu hạ nguy hiểm tới tính mạng. Và cách đây 6 tháng, sau khi tiêm vaccine Covid-19, bệnh tái phát nặng hơn, ngoài tan máu là đau nhức xương khớp. Chị đã điều trị nhiều nơi, tuy nhiên, bệnh vẫn không giảm.
Cuối cùng, bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho đơn thuốc đúng bệnh Lupus ban đỏ, sức khỏe của chị đã dần trở lại bình thường.
Một bệnh nhân khác đến từ Thanh Hóa là một giáo viên THCS, do xương khớp đau nhức, cơ thể suy nhược, không thể đảm nhận công việc hàng ngày, chị đã phải xin nghỉ không lương. Bệnh Lupus ban đỏ chỉ được phát hiện cách đây nửa năm, trong khi chị đã bị bệnh này 10 năm. Hiện tim, phổi đều bị ảnh hưởng bởi bệnh để lâu không được điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, những trường hợp được chẩn đoán muộn, khi bệnh nhân Lupus ban đỏ đã có các tổn thương nội tạng rồi thì việc điều trị sẽ khó khăn, tốn kém hơn nhiều, đi cùng với đó là tiên lượng bệnh xấu.
Tin nổi bật
Tin Video