Vì sao nhiều người không biết có tổng đài bảo vệ trẻ em 111
(VOVTV) - Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 được thiết lập cách đây 2 năm nhằm hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em. Ấy thế nhưng tới nay, rất nhiều người không hề biết đến sự tồn tại của tổng đài này.
Theo báo cáo hoạt động của Tổng đài 111, từ đầu năm đến nay, Tổng đài đã tiếp nhận hơn 600.000 cuộc gọi, trong đó có hơn 22.000 cuộc gọi tư vấn và hơn gần 1.000 trường hợp hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em.
Nhờ tổng đài, đã có 407 ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ, trong đó có 195 ca bạo lực trẻ em mà chủ yếu là bạo lực bởi người thân trong gia đình.
Tuy nhiên, con số được hỗ trợ còn rất ít so với thực tế trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Theo báo cáo tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó các vụ việc xâm hại tình dục chiếm đến gần 74% tổng số trẻ em bị xâm hại. Như vậy, mỗi ngày trung bình có 7 trẻ em bị xâm hại tại Việt Nam.
Một phần nguyên nhân dẫn tới việc nhiều trẻ em không được hỗ trợ là do nhiều người không hề biết đến sự tồn tại của tổng đài 111. Việc thiếu vắng các tờ rơi quảng cáo tổng đài tại các nơi công cộng, trường học chung cư, phần nào lý giải thực tế trên. Thậm chí, ứng dụng "Tổng đài 111" trên điện thoại di động, máy tính cũng chưa được nhiều người biết đến.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng chưa được phát hiện, ngăn chặn, can thiệt kịp thời. Điển hình là hai vụ việc vụ xảy ra gần đây, 2 cháu bé bị chủ quán đánh đập khi làm việc tại quán bánh xèo ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh và cháu bé 3 tuổi tử vong do chính mẹ đẻ và cha dượng bạo hành đến chết vào đầu tháng 4/2020.
Bên cạnh đó, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB và XH, cho biết, có việc cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em xã Xuân Khang (Như Thanh, Thanh Hóa) từ chối tiếp nhận trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục đến mang thai; cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Như Thanh yêu cầu có công văn mới tiếp nhận; hay cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em xã Tân Hương (Tân Kỳ, Nghệ An) từ chối tiếp nhận trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục với lý do không biết đến tổng đài 111.
Trẻ em là đối tượng dễ bị lạm dụng và bị tổn thương. Đáng lo ngại là tình trạng ngược đãi, xâm hại trẻ em ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo với các cơ quan chức năng. Nhiều vụ việc để kéo dài nhiều năm, khi tình trạng ở mức báo động nghiêm trọng mới được các phương tiện thông tin đại chúng phát giác trước công luận.
Sự thờ ơ, vô cảm hoặc tâm lý nể nang, lo sợ bị trả thù... khiến nhiều người xung quanh không dám can thiệp hoặc tố giác hành vi phạm pháp này. Âm báo các cuộc gọi đến không khi nào ngừng nghỉ là mong muốn của cán bộ trực tổng đài 111. Làm sao để được nhiều người dân biết tới và có thể hỗ trợ được các em ngày một nhiều hơn.
Ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 đề nghị các tổ dân phố, thôn, xóm khi thấy hành vi bạo hành, xâm hại và ngược đãi trẻ em xảy thì việc làm nhanh nhất là bấm số 111 sẽ được hỗ trợ kịp thời.
Ông chia sẻ: "Trẻ em và người dân có thể gọi điện trực tiếp đến Tổng đài 111, 24/24 giờ và hoàn toàn miễn phí. Tất cả các loại điện thoại, các sóng điện thoại thì không cần có cước, chỉ cần có sóng là có thể bấm 111 và gọi được, thông báo cho nhân viên tư vấn và sau đó, nhân viên tư vấn sẽ thực hiện quy trình bảo vệ trẻ em, cùng với các cơ quan chức năng hỗ trợ thông báo, đề nghị, yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng xác minh vấn đề để có biện pháp hỗ trợ, bảo vệ trẻ em một cách nhanh nhất"
Những giọt nước mắt muộn màng của những người thân, cư dân mạng sau mỗi vụ việc bạo hành trẻ em cho thấy trách nhiệm của cộng đồng tăng cường bảo vệ trẻ em và quảng bá dịch vụ đặc biệt tổng đài 111.
Tin nổi bật
Tin Video