Vì sao Metaverse trở thành 'cơn sốt' mới của thế giới công nghệ?
Công ty mẹ của mạng xã hội đình đám Facebook đã mạnh tay đổi tên thành Meta - phản ánh tham vọng hướng tới thế giới Internet metaverse (vũ trụ ảo) và vượt khỏi phạm vi của mạng xã hội hiện tại.
Ngành công nghiệp tiền điện tử thường chứng kiến những xu hướng và thuật ngữ mới mẻ, khác biệt, nhanh đến và cũng nhanh đi.
Ở một góc độ nào đó, chính khởi nguồn của ngành này - công nghệ chuỗi khối (blockchain) - từng khiến thị trường xôn xao. Sau đó, sự chú ý dồn sang tài chính phi tập trung (DeFi). Hồi đầu năm nay, đó là Token không thể thay thế (NFT).
Gần đây, một thuật ngữ mới khác lại đang lan rộng khắp ngành, khiến mọi nhà đầu tư và giới đam mê công nghệ “phát sốt" - đó là metaverse.
Metaverse là gì?
Metaverse đã nhận được sự chú ý đáng kể sau khi Facebook, công ty mẹ của mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook, công bố một khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực này.
Công ty mẹ của mạng xã hội đình đám này thậm chí đã mạnh tay đổi tên thành Meta - phản ánh tham vọng hướng tới thế giới Internet metaverse (vũ trụ ảo) và vượt khỏi phạm vi của mạng xã hội hiện tại.
Tuy nhiên, không nhiều người hiểu metaverse là gì và tại sao nó lại quan trọng như vậy.
Thực tế, việc định nghĩa metaverse rất khó thể hiện bằng lời do hiện tại nó chưa hề xuất hiện. Trong thế giới phim ảnh, metaverse là một khái niệm lấy cảm hứng từ thuyết đa Trái Đất. Theo thuyết này, một nhân loại tồn tại trên Trái Đất này cũng sẽ tồn tại trên một số Trái Đất khác với thân phận khác nhau.
Cho tới giờ, vẫn chưa có định nghĩa cụ thể nào về metaverse. Một số người coi nó như một phiên bản kế thừa đẹp mắt hơn của Internet, nơi các thiết bị được kết nối và có thể chạy bán tự động.
Những người khác tin rằng metaverse là một tập hợp các thế giới được kết xuất bằng hình ảnh 3D, nơi mọi thứ được trải nghiệm trên một không gian hỗn hợp không có điểm dừng.
Có thể coi định nghĩa toàn diện nhất về metaverse đến từ Facebook. Công ty mô tả nó như một tập hợp các không gian ảo, nơi người dùng có thể kết nối và tương tác với những người khác dù họ không ở cùng một không gian thực tế.
Ngày nay, metaverse là một không gian ảo được chia sẻ chung, nơi mọi người đều có hình đại diện (avatar) kỹ thuật số cho riêng mình. Facebook tin tưởng rằng khi công nghệ tiếp tục phát triển, con người rồi sẽ có thể đi vào thế giới đa vũ trụ.
Sự hiện diện của thế giới này sẽ vẫn chỉ trong không gian ảo, song chúng cũng có thể tác động một phần vào không gian vật lý nhờ vào công nghệ thực tế hỗn hợp và tăng cường.
Metaverse - xu hướng có thể tác động lớn tới tương lai
Khi nhắc tới tài sản điện tử, mọi xu hướng mới nổi đều sẽ được so sánh với xu hướng trước đó. Thị trường đã so sánh NFT với DeFi và tin rằng kẻ đến sau sẽ lấn lướt người đi trước. Trong trường hợp này, liệu metaverse có thể lớn hơn NFT?
Hiện tại, câu trả lời dường như là có. Metaverse là một vũ trụ mở, với tham vọng sẽ bao gồm tất cả mọi người dùng Internet. Không thể phủ nhận NFT là một xu hướng lớn. Song metaverse sẽ có ý nghĩa rộng hơn nhiều khi tính về lâu dài.
Các động lực tăng trưởng và xu hướng thúc đẩy sự nổi lên của NFT chắc chắn cũng sẽ giúp ích cho metaverse. Ngày càng nhiều người chuyển lên môi trường trực tuyến. Không chỉ dừng lại ở các cá nhân, các công ty lớn cũng đang tìm cách xây dựng một mô hình metaverse của riêng họ.
Nhiều công ty đã quyết định áp dụng metaverse nhanh hơn so với việc áp dụng NFT. Ngay cả đến hiện tại, NFT vẫn tiếp tục kiếm tìm những phương thức áp dụng chính thống ở quy mô lớn hơn.
Trong khi đó, các công ty đang đổ một lượng tiền lớn vào metaverse. Điều này là do các công ty hiểu xu hướng này có thể phát triển như thế nào và họ có thể hưởng lợi bao nhiêu từ đó.
Animal Crossing, Fortnite và Minecraft hiện là ba trong số những tựa game có quy mô người chơi lớn nhất trên thế giới. Mỗi tựa game này đều xây dựng một thế giới ảo vô cùng chi tiết với cơ sở người dùng lớn và kho nội dung khổng lồ.
Microsoft cũng đang nghiên cứu metaverse, trong khi Facebook đã cam kết 50 triệu USD để hợp tác với các công ty khác để biến giấc mơ metaverse thành hiện thực.
Không chỉ giới doanh nghiệp, một số chính phủ đã chú ý tới metaverse. Chính quyền thành phố Seoul đầu tháng 11 thông báo sẽ triển khai thực hiện dịch vụ công mới thông qua thế giới ảo trực tuyến với việc xây dựng nền tảng metaverse của riêng mình.
Với tên gọi "Metaverse Seoul," dự án sẽ chính thức được triển khai từ cuối năm 2022 và kéo dài trong 5 năm. Chính quyền thành phố Seoul dự kiến sẽ bắt đầu thực hiện hệ sinh thái tổng hợp cho các dịch vụ hành chính trong tất cả lĩnh vực quản lý của thành phố, như: kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục và khiếu nại dân sự trong ba giai đoạn.
Nhìn cung, giới chuyên gia đều đánh giá metaverse là một phiên bản mới, thú vị hơn của Internet và được kỳ vọng sẽ có những tác động lớn đối với cuộc sống con người. Từ xây dựng thương hiệu, tiếp thị quảng cáo, dịch vụ công đến giải trí và truyền thông, một kỷ nguyên mới của metaverse có thể giúp con người thỏa sức sáng tạo theo những cách thức chưa từng có.
Không chỉ giới đam mê công nghệ, thế giới cũng nên chú ý đến metaverse. Vì đây có thể là giai đoạn phát triển tiếp theo cho hoạt động tương tác giữa người với người.
Giống như cách phương tiện truyền thông xã hội đã thay đổi môi trường Internet, metaverse cũng sẽ mang tới những thay đổi như vậy./.