Kinh doanh

Vì sao khu đất 28,4 ha ở TP. Vũng Tàu chậm thu hồi, giải phóng mặt bằng?

(VOVTV) - Liên quan đến giải phóng mặt bằng, thu hồi đất có diện tích 28,4 ha dọc bãi biển Thùy Vân, TP. Vũng Tàu theo kiến nghị của Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đến nay, mới chỉ có 5/9 doanh nghiệp bàn giao mặt bằng. Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đang có phương án làm lợi cho Nhà nước và không ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Tác giả Gia Khang/VOV TPHCM
25/05/2023 07:16

Theo UBND TP.Vũng Tàu, lý do dẫn đến việc chưa thể thu hồi, giải phóng toàn bộ mặt bằng vào ngày 15/3 là vì các doanh nghiệp có đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. UBND tỉnh đã chỉ đạo TP.Vũng Tàu rà soát lại quy hoạch, thống kê công trình trên đất. Điều này dẫn đến việc UBND TP.Vũng Tàu phải điều chỉnh lại phương án bồi thường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Đến thời điểm này, mới chỉ có 5/9 doanh nghiệp đồng ý bàn giao mặt bằng với diện tích 7,1 ha. 4 doanh nghiệp còn lại là: Công ty Du lịch Hải Dương, Công ty Du lịch Quốc tế Vũng Tàu-Intourco, Công ty Lạc Việt và Công ty Du lịch DIC chưa ký cam kết bàn giao mặt bằng.

Vì sao khu đất 28,4 ha ở TP. Vũng Tàu chậm thu hồi, giải phóng mặt bằng? - Ảnh 1.

28 ha đất ven biển Vũng Tàu bị 9 Doanh nghiệp sử dụng nhiều năm nhưng không nộp tiền thuê đất (ảnh: Đình Nam)

Lý giải nguyên nhân chưa bàn giao, các doanh nghiệp cho rằng, nguồn gốc đất và pháp lý của từng doanh nghiệp sử dụng đất có đặc thù riêng. Có công trình được cấp phép xây dựng với giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. Do vậy, khi Nhà nước giải phóng mặt bằng cần xem xét bồi thường tài sản trên đất và có lộ trình.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Vũng Tàu-Intourco cho biết, doanh nghiệp đã có kiến nghị chính quyền địa phương được giữ lại cơ sở này: “Nếu như được giữ lại tài sản trên đất thì khu này rất là tốt, vì có những công trình mới xây dựng, sử dụng được 10 năm, trong khi đó, thời gian sử dụng cho khối nhà của chúng tôi là 50-70 năm. Nếu giải tỏa ngay thì rất là lãng phí. Tài sản của chúng tôi rất cao cấp, đắt tiền chịu được thời tiết khắc nghiệt của vùng biển”.

Vì sao khu đất 28,4 ha ở TP. Vũng Tàu chậm thu hồi, giải phóng mặt bằng? - Ảnh 2.

Đến nay 5/9 doanh nghiệp du lịch tại bãi Sau đã đồng ý trao trả mặt bằng (ảnh: Gia Khang)

Trước các kiến nghị của doanh nghiệp, tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu đã có chủ trương cho các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động với điều kiện phải hoàn thành việc nộp tiền thuê đất theo quy định, đồng thời cam kết bàn giao mặt bằng khi có nhà đầu tư mới. Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, hoàn thành các thủ tục liên quan trong tháng 8/2023.

Theo ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu, nếu doanh nghiệp chưa ký biên bản cam kết bàn giao mặt bằng mà có nhu cầu tiếp tục kinh doanh thì phải có văn bản gửi UBND thành phố, chậm nhất vào ngày 26/5.

“Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có chủ trương, đối với những doanh nghiệp trả hết nợ thuế đất cho Nhà nước theo kết luận Thanh tra, nộp thuế kinh doanh đầy đủ thì đồng ý cho tiếp tục hoạt động. Trong thời gian này phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh môi trường, an toàn cho du khách và đảm bảo mỹ quan”, ông Vũ Hồng Thuấn thông tin.

Vì sao khu đất 28,4 ha ở TP. Vũng Tàu chậm thu hồi, giải phóng mặt bằng? - Ảnh 3.

Chính quyền thành phố Vũng Tàu tiến hành thu hồi mặt bằng đất ven biển (ảnh: Gia Khang)

Như Báo điện tử VOV đã thông tin , khu ven biển Bãi sau, TP Vũng Tàu có diện tích 28,4 ha. Từ năm 1996, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao cho Công ty xây lắp tỉnh (thời điểm này là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước).

Sau khi nhận đất, doanh nghiệp đầu tư 122 tỷ đồng để cải tạo, làm bãi tắm và cho 9 doanh nghiệp thuê đất, hạ tầng kinh doanh nhà hàng, khách sạn, bãi tắm... Trong quá trình kinh doanh, các doanh nghiệp nợ 320 tỷ đồng tiền thuê đất nên Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị thu hồi, cũng như phá dỡ những công trình xây trái phép, không phù hợp với quy hoạch.

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã nộp hơn 64 tỷ đồng. Cục thuế tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu đang áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định./.

Ý kiến của bạn