Tin tức

Vì sao Hà Nội đề xuất cho xe buýt thường vào đường BRT?

(VOVTV) - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có đề xuất cho phép xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT. Đây là đề xuất đáng chú ý trong bối cảnh hiệu quả hoạt động của dự án buýt nhanh BRT còn nhiều tranh cãi sau 6 năm đưa vào vận hành, khai thác.

Tác giả Huy Nam / VOV1
07/07/2022 16:12

Về lý do điều chỉnh, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, tuyến BRT là trục xuyên tâm, do tập trung các phương tiện ra, vào khu vực trung tâm, lưu lượng các phương tiện tăng cao, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm gây ra tình trạng ùn ứ giao thông. Do vậy, để giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến, tăng hiệu quả khai thác hệ thống hạ tầng giao thông hiện có trên tuyến, việc điều chỉnh là cần thiết.

Theo ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tuyến xe buýt nhanh BRT là tuyến đầu tiên của thành phố, triển khai thí điểm, với tần suất khai thác từ 3,5 - 15 phút/lượt trong ngày thường và từ 7 - 15 phút/lượt vào ngày chủ nhật. Lộ trình tuyến BRT đi qua hầu hết các tuyến đường là trục chính có mật độ tham gia giao thông cao như đường Lê Trọng Tấn, Lê Văn Lương, đường Tố Hữu. Vào những giờ cao điểm xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông trên tuyến.

1-6_Opt.jpg

Ảnh minh họa: Internet

Một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, việc ngành chức năng thành phố đề xuất cho một số phương tiện đi chung làn đường BRT gián tiếp thừa nhận thất bại tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã-Yên Nghĩa, dù được ưu tiên 1 làn đường.

Thực tế này, đòi hỏi thành phố Hà Nội cần có đánh giá và đưa ra giải pháp xử lý bất cập của buýt nhanh BRT này. Nếu thực hiện chủ trương cho xe buýt thường vào hoạt động chung với làn BRT, cần phải có giải pháp kỹ thuật, vận hành, quản lý và tổ chức giao thông trên tuyến một cách hợp lý. Còn đối với xe 24 chỗ trở lên cũng được đi vào thì lịch trình, hoạt động của tuyến buýt nhanh BRT sẽ bị đảo lộn hoàn toàn.

Là người thường xuyên tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng, ông Trần Văn Tuy, trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa cho rằng, đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về việc cho một số phương tiện đi vào làn đường buýt nhanh BRT là cần thiết. Bởi, quỹ đất dành cho giao thông tại Hà Nội chưa đáp ứng, hệ thống vận tải hành khách công cộng còn hạn chế, và thực tế sau 6 năm, hoạt động của buýt nhanh BRT không hiệu quả như kỳ vọng bạn đầu.

Dự án buýt nhanh BRT là một hợp phần trong dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2007, từ vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới. Sau 6 năm điều chỉnh, đến năm 2013 dự án buýt nhanh BRT01 (Kim Mã - Yên Nghĩa), tổng mức đầu tư trên 1000 tỷ đồng chính thức khởi công và đưa vào sử dụng cuối năm 2016.

Liên quan đến hiệu quả của Dự án buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa tại Hà Nội, tháng 9/2018 Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận thanh tra, nêu rõ, việc đầu tư của dự án chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Đó là thực trạng các nhà chờ, cầu vượt cho người đi bộ chưa thuận tiện cho người sử dụng, một số nhà chờ chưa có cầu vượt đi bộ để tiếp cận, cầu vượt đi bộ chưa hỗ trợ cho người khuyết tật.

Xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng, chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có, nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm. Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông...

Ý kiến của bạn